Việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chọn Ấn Độ là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ ngày 19-5 là dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ưu tiên nâng tầm quan hệ với New Delhi, trong lúc có những bất đồng về biên giới và các tranh chấp khác.
Thủ tướng Lý Khắc Cường (trái) đến thủ đô New Delhi. Ảnh: AP |
Theo các chuyên gia về Trung - Ấn, có nhiều vấn đề - chứ không đơn thuần là tính biểu tượng - khi ông Lý Khắc Cường chọn Ấn Độ là điểm dừng chân đầu tiên. Hãng ANI dẫn lời ông Alka Acharya, chuyên gia về Trung - Ấn và là Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở New Delhi, cho rằng ông Lý Khắc Cường muốn gửi thông điệp: các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đang tiếp tục “di sản” của người tiền nhiệm - cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, trong việc xây dựng niềm tin, tạo quan hệ với quốc gia Nam Á.
Tân Hoa xã cho rằng, lý do được đưa ra khá đơn giản: với Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước đang phát triển có dân số đông nhất thế giới, chiếm khoảng 40% dân số toàn cầu và đều là thành viên của khối BRICS (khối 5 nước đang phát triển nhanh nhất thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), mối quan hệ chiến lược và hữu nghị sẽ mang lại lợi ích cho cả hai. Thêm một lý do nữa, trong các cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh gần đây, cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lẫn Thủ tướng Lý Khắc Cường đều tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy quan hệ song phương trong lúc vẫn tiếp tục quản lý hiệu quả biên giới và các vấn đề gai góc khác.
Ấn Độ khẳng định mọi vấn đề sẽ được đưa lên bàn đàm phán lần này, khi Thủ tướng Lý Khắc Cường gặp gỡ người đồng cấp Manmohan Singh ở New Delhi, trong đó có những vụ liên quan vấn đề biên giới gần đây và sự mất cân đối ngày càng tăng về thương mại (cán cân thương mại đang nghiêng hẳn về phía Bắc Kinh). Thâm hụt thương mại của Ấn Độ ngày càng tăng với Trung Quốc, lên 29 tỷ USD trong năm 2012. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, kim ngạch thương mại song phương đạt 66,47 tỷ USD, giảm so với mức 74 tỷ USD của năm 2011 và là bước lùi so với mục tiêu 100 tỷ USD trước năm 2015.
Các nhà quan sát cho rằng, quan hệ Trung - Ấn gặp nhiều trở ngại xuất phát từ sự hoài nghi lẫn nhau kể từ sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 tại khu vực dãy núi Himalaya. Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc chiếm 38.000km2 lãnh thổ ở cao nguyên Aksai Chin, phía Tây Himalaya. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền khoảng 90.000km2 ở bang Arunachal Pradesh, phía Đông Bắc Ấn Độ.
Tháng trước, Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc xâm nhập sâu 20km đường biên giới Trung Ấn (LAC). Đường kiểm soát thực tế giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này chưa bao giờ được thành lập mặc dù cả hai đã ký hiệp ước duy trì hòa bình tại khu vực Himalaya. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định binh sĩ nước mình không bao giờ xâm phạm biên giới.
Nhà phân tích quốc phòng và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược tại New Delhi, ông Jasjit Singh, nói rằng căng thẳng ở biên giới phủ bóng đen lên chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường. Và điều đáng lưu ý, trong 10 năm qua, Trung Quốc cùng Ấn Độ đã có 15 vòng đàm phán về vấn đề biên giới nhưng không mang lại kết quả khả quan nào.
Sau chặng dừng chân ở New Delhi, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đến trung tâm tài chính Mumbai, sau đó đến Pakistan, Thụy Sĩ và Đức.
VĨNH AN