.

Chuyển động tích cực ở Đông Bắc Á

.

Nhật Bản bắt đầu xem xét việc nối lại đàm phán liên Chính phủ với CHDCND Triều Tiên. Trong lúc đó, đặc phái viên của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un đến Trung Quốc với mong muốn hàn gắn mối quan hệ đang bị rạn nứt.

Những động thái từ phía Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên diễn ra khi quan hệ giữa các bên đang có ít nhiều căng thẳng xung quanh hàng loạt vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Ông Choe Ryong-hae (thứ hai, từ trái sang) rời Bình Nhưỡng để đến Trung Quốc.                       Ảnh: AP
Ông Choe Ryong-hae (thứ hai, từ trái sang) rời Bình Nhưỡng để đến Trung Quốc. Ảnh: AP

Giải quyết vấn đề bắt cóc công dân

Báo Asahi Shimbun của Nhật Bản ngày 22-5 cho biết, Tokyo muốn xem xét nối lại đàm phán liên Chính phủ với CHDCND Triều Tiên sau chuyến công cán không báo trước của trợ lý Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Isao Iijima. Không dẫn nguồn tin nhưng Báo Asahi Shimbun nêu rõ: “Chính phủ của ông Abe ngày 21-5 bắt đầu chuẩn bị nối lại đàm phán với CHDCND Triều Tiên”. Theo đó, nội dung nghị sự xoay quanh việc CHDCND Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản cách đây 10 năm và những vấn đề khác được cho là gai góc. Những nội dung này từng được hai bên bàn bạc, gần đây nhất vào tháng 11-2012, nhưng đều bế tắc do Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa vào tháng 12 năm ngoái và thử hạt nhân vào tháng 2 năm nay, kéo theo phản ứng tức giận của Nhật Bản.

Tại cuộc họp báo ở Tokyo, ông Yoshihide Suga - Thư ký Nội các của Thủ tướng Abe - nói rằng Nhật Bản muốn nối lại đàm phán để giải quyết vấn đề bắt cóc công dân trong quá khứ. Thủ tướng Abe cũng khẳng định ông sẽ để ngỏ khả năng đối thoại với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nếu bế tắc trong vấn đề bắt cóc được tháo gỡ. Tờ Asahi Shimbun nói thêm: Nhật Bản còn bàn thảo với CHDCND Triều Tiên về các chương trình tên lửa và hạt nhân, vốn là mối quan tâm của các cường quốc, nhất là khu vực Đông Bắc Á.

Hãng Reuters cho rằng, chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của ông Iijima vào tuần trước và gặp gỡ các quan chức nước chủ nhà nhắc nhở Hàn Quốc cũng như đặc sứ của Mỹ tại Bình Nhưỡng Glyn Davies về tầm quan trọng trong việc hợp tác giữa các quốc gia. Quan hệ giữa Nhật Bản với CHDCND Triều Tiên từ lâu vốn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do Tokyo chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Nhật Bản cũng lo lắng về các chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đồng thời chỉ trích việc Bình Nhưỡng bắt cóc công dân của xứ sở hoa anh đào này.

Hâm nóng quan hệ Trung - Triều

Về phía CHDCND Triều Tiên, nước này vừa có một động thái được các nhà quan sát cho là bước đi tích cực: ông Choe Ryong-hae, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội Triều Tiên, ngày 22-5 lên đường sang Trung Quốc với tư cách đặc phái viên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Ông Choe là quan chức cấp cao nhất được Bình Nhưỡng cử tới Bắc Kinh kể từ sau chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8-2011 của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Trong khi đó, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chưa từng sang thăm đồng minh thân thiết nhất của mình kể từ khi nắm quyền.

Ông Choe sẽ có cuộc gặp đầu tiên với người đứng đầu Cơ quan đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc Wang Jiarui. Vị quan chức quân đội CHDCND Triều Tiên nhận sứ mệnh này trong bối cảnh Trung Quốc vừa có lãnh đạo mới và quan hệ Trung - Triều đang phai nhạt. Trung Quốc hiện là nước cung cấp viện trợ lương thực cũng như năng lượng chính cho CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, sau hàng loạt động thái của CHDCND Triều Tiên làm Trung Quốc thất vọng, Bắc Kinh tỏ ra sẵn sàng hợp tác với Mỹ hơn để kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cụ thể, sau khi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân vào tháng 2-2013, Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận cho các lệnh cấm vận mới từ LHQ. Không những thế, Ngân hàng Trung Quốc trong tháng 5 cũng thông báo với Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên về việc tạm thời “đóng băng” các tài khoản và mọi giao dịch tài chính của ngân hàng này.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Park Soo Jin cho rằng, hiện còn quá sớm để đánh giá về chuyến thăm Trung Quốc của ông Choe.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.