Hàng ngàn công nhân hưởng lương thấp trên khắp thế giới ngày 1-5 xuống đường biểu tình yêu cầu tăng lương và cải thiện các điều kiện lao động.
Một công nhân tham gia vào đoàn người biểu tình đòi tăng lương ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, những người lao động ở Indonesia, Campuchia, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và các nước khác đã xuống đường. Các cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra ở châu Á, với hàng chục nghìn công nhân ở Jakarta (Indonesia) yêu cầu cải thiện các điều kiện lao động và chống lại việc Chính phủ cắt giảm trợ cấp nhiên liệu. Step Vaessen của Hãng Al Jazeera tại Jakarta ước tính khoảng 150.000 người tham gia tuần hành ở quốc gia châu Á này. Tại Campuchia, công nhân biểu tình trước tòa nhà Quốc hội yêu cầu tăng lương tối thiểu ở các nhà máy may mặc lên 150 USD/tháng.
Trong khi đó, tính đến ngày 1-5, số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà 8 tầng Rana Plaza ở Savar, ngoại ô Dhaka, lên đến 402 người và 2.500 người khác bị thương. Vụ việc cũng làm dấy lên sự tức giận của công nhân may mặc ở quốc gia Nam Á này khi họ đứng trước nguy cơ không an toàn về điều kiện lao động ở những nước nghèo.
Ông Mohammed Sohel Rana, chủ tòa nhà Rana Plaza, đang bị cảnh sát thẩm vấn với cáo buộc tắc trách, xây dựng bất hợp pháp và có thể thêm nhiều cáo buộc khác. Khung hình phạt tối đa dành cho Rana là 7 năm tù. Ông Kamrul Anam, một trong những người đứng đầu Liên đoàn lao động ngành dệt may, thúc giục hình phạt nặng nhất cho những ai có trách nhiệm trong thảm họa ngày 24-4.
Tại thủ đô Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh sát chống bạo động xung đột với hàng nghìn người. Cảnh sát phải dùng súng nước để giải tán đám đông khi lực lượng biểu tình tìm cách phá vỡ hàng rào để tiến vào khu vực quảng trường chính của thành phố. Ít nhất 6 người bị thương. An ninh cũng được thắt chặt xung quanh văn phòng Thủ tướng Tayyip Erdogan ở Besiktas. Những năm gần đây, ngày Quốc tế Lao động 1-5 đều đánh dấu sự xung đột giữa cảnh sát và những người biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Hy Lạp, các chuyến tàu, phà đều bị hoãn, các nhân viên làm việc tại các bệnh viện cũng đình công chống lại chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ Athens. Cuộc biểu tình trong 24 giờ được xem là lần đình công mới nhất ở quốc gia chìm trong khủng hoảng nợ công suốt 6 năm nay. Tổng Thư ký nghiệp đoàn ADEDY Ilias Iliopoulos đưa ra thông điệp rõ ràng: các chính sách của Chính phủ làm tổn thương người dân và làm người nghèo trở nên nghèo hơn. Cùng với ADEDY, nghiệp đoàn GSEE – hai nghiệp đoàn lớn nhất nước - tuyên bố sẽ hành động để đòi kết thúc việc “thắt lưng buộc bụng”.
Nội các của Thủ tướng Antonis Samaras nói rằng, các chính sách là một phần trong những động thái để bảo đảm tiếp nhận được gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Khoảng 1.000 cảnh sát được triển khai ở trung tâm Athens để đối phó với nguy cơ bạo lực.
Theo AFP, các cuộc tuần hành cũng được kêu gọi ở hơn 80 thành phố của Tây Ban Nha, nơi có tỷ lệ thất nghiệp trong tuần qua vượt ngưỡng 27%.
Số người thất nghiệp hiện tại ở khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt kỷ lục mới: 19,2 triệu người. Trong đó, Hy Lạp và Tây Ban Nha có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, lần lượt là 27,2% và 26,7%. Hai nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất là Áo (4,7%) và Đức (5,4%). Trong khối Eurozone có 3,6 triệu thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp (Hy Lạp 59,1%, Tây Ban Nha 55,9%). (Theo BBC, AFP) |
PHÚC NGUYÊN