.

Hàn Quốc muốn Triều Tiên tỏ rõ thiện chí

.

Hàn Quốc đã chính thức bác bỏ đề nghị nối lại đàm phán 6 bên của CHDCND Triều Tiên đưa ra trước đó về chương trình hạt nhân vốn là tâm điểm căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se ngày 27-5 nói rằng, CHDCND Triều Tiên phải tỏ rõ thiện chí trong việc nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến công du Washington vào tháng 6.   							          Ảnh: AP
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến công du Washington vào tháng 6. Ảnh: AP

Theo Ngoại trưởng Yun Byung-se, chưa có nhiều bằng chứng cho thấy CHDCND Triều Tiên sẵn sàng trở lại bàn đàm phán 6 bên. Hãng Yonhap dẫn lời Ngoại trưởng Yun khẳng định: Quan điểm của Seoul là không đàm phán cho có, mà CHDCND Triều Tiên phải chứng minh với cộng đồng quốc tế thiện chí của mình trong việc thực hiện cam kết giải giáp hạt nhân.

Trong lúc đó, báo chí của Nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh: Khi gặp gỡ ngày 24-5 với đặc sứ của CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh - ông Choe Ryong-hae, Chủ tịch Tập Cận Bình gây áp lực để đồng minh Bình Nhưỡng đồng ý nối lại đàm phán vốn bị đình trệ từ cuối năm 2008.

Cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với đặc sứ Choe Ryong-hae diễn ra trước thềm chuyến công cán của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Washington và hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 6 tới; đồng thời Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng sẽ hội đàm với ông Tập Cận Bình vào cuối tháng 6. Một trong những nội dung của các cuộc gặp này là vấn đề CHDCND Triều Tiên. Cả Hàn Quốc lẫn Mỹ đều cho rằng, Bình Nhưỡng cần có hành động cụ thể trước khi các cuộc đàm phán 6 bên bắt đầu.

Bên cạnh tuyên bố của Ngoại trưởng Yun Byung-se, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cũng cho rằng, CHDCND Triều Tiên cần làm thay vì chỉ nói. Theo Bộ này, nếu Bình Nhưỡng thật sự muốn đàm phán hạt nhân thì bước đi đầu tiên cần thực hiện là nối lại đàm phán về Khu công nghiệp chung Kaesong như đề xuất của Seoul. “Hành động quan trọng hơn lời nói”, người phát ngôn Bộ Thống nhất Kim Hyung-Seok nhấn mạnh. Việc đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong là hệ quả xung quanh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân vào tháng 2 vừa qua.

Ngoài hai miền Triều Tiên, đàm phán 6 bên còn có sự tham dự của Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản. Nhiều nhà quan sát ở CHDCND Triều Tiên cho rằng, khả năng nối lại đàm phán 6 bên vẫn còn xa vời khi Seoul vẫn giữ thái độ nghi ngại. Song, nữ Tổng thống Park Geun-hye của Hàn Quốc cam kết hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Về cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama, AP cho biết, ngày 27-5, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ bắt đầu bàn thảo với các nhà chức trách Trung Quốc để chuẩn bị cho chuyến công du với mục tiêu hàn gắn những bất đồng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo giới quan sát, đây là dấu hiệu cho thấy cả hai bên đều muốn ngăn chặn sự chệch hướng trong quan hệ khi đối mặt với sự khác biệt về chính trị, kinh tế và những chính sách ngoại giao trên thế giới.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.