.

Mỹ chưa vội can thiệp vào Syria

.

(ĐNĐT) - Ngày 30-4, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã phát đi tín hiệu cho thấy, ông chưa vội vã can thiệp vào Syria và cần các bằng chứng cụ thể hơn nữa của việc sử dụng vũ khí hóa học trước khi hành động.

avatar.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng nhân "100 ngày nhậm chức", ông Obama tuyên bố rằng, đã có bằng chứng của việc sử dụng vũ khí hóa học nhưng vẫn còn nhiều điều mà tình báo Mỹ chưa biết.

“Chúng ta không biết cách thức, thời gian và người sử dụng các vũ khí đó. Chúng ta cũng không có một dây chuyền giám sát vốn có thể lập luận chính xác những gì đã xảy ra”, ông Obama phát biểu.

Mặc dù không loại trừ các hành động quân sự chống lại chính phủ của Tổng thống Assad, tuy nhiên, Tổng thống Obama liên tục nhấn mạnh rằng ông sẽ không cho phép chính mình chịu áp lực một cách nôn nóng để can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến đã kéo dài 2 năm qua tại Syria.

Tuyên bố của ông Obama đã đặt ra một viễn cảnh rằng, cho dù có tuyên bố vào tuần trước rằng đã có bằng chức về lực lượng của ông Assad sử dụng chất độc thần kinh sarin “ở mức độ nhỏ”, thì phản ứng của Mỹ sẽ không nhanh chóng.

Thư ký báo chí của Nhà Trắng, Jay Carney hôm thứ Hai (29-4) đã phát biểu rằng, vẫn chưa nói được chính xác thời hạn chót cho một phát quyết cuối cùng liệu rằng vũ khí hóa học có được sử dụng chưa và do người nào đưa ra. Theo đó, ông cũng nói, phải mất vài tuần mới đi đến được các kết luận.  

Theo CNN, trong những ngày gần đây, Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng) đã đẩy mạnh việc lập kế hoạch cho một sự can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến Syria, đặc biết là bằng chứng ngày càng hiển hiện cho thấy chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học.

Giới chức Nhà Trắng cho rằng, họ không nghĩ công chúng Mỹ nôn nóng can thiệp quân sự vào Syria.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin New York Times/CBS công bố hôm 30-4, 62% người Mỹ tin rằng Mỹ không có trách nhiệm phải làm điều gì đó đối với cuộc chiến giữa lực lượng của ông Assad với phe nổi dậy chống chính phủ. Chỉ có 39% trả lời rằng, họ theo dõi sát sao tình hình bạo lực tại Syria.

Điều này cho thấy, Syria không nằm trong các mối quan tâm hàng đầu của công chúng Mỹ.  

Khi được hỏi về các vụ đánh bom đẫm máu tại giải chạy marathon ở Boston thuộc bang Massachusetts trong thời vừa qua, ông Obama đã lên tiếng bênh vực công tác của giới chức trách thực thi luật pháp, trong đó có Cục Điều tra Liên bang (FBI), đồng thời hoan nghênh sự hợp tác của phía Nga sau khi xảy ra vụ việc.

Ông Obama khẳng định tất cả các quan chức thực thi luật pháp Mỹ đã thể hiện "một phong cách mẫu mực" sau các vụ đánh bom trên. Ông nhấn mạnh: "FBI đã thể hiện được vai trò của họ. Bộ An ninh Nội địa đã làm những gì cần phải làm."

Ngoài ra, ông Obama còn hoan nghênh Chính phủ Nga đã "rất thiện chí hợp tác" với giới chức trách Mỹ song cũng thừa nhận rằng "đôi khi vẫn còn những nghi ngại" giữa các cơ quan tình báo và thực thi luật pháp của hai nước.

Quang Hiển (theo Reuters, CNN) - (Vietnam+)

 


 

;
.
.
.
.
.