.

Mỹ thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông

.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu đàm phán riêng rẽ với Israel và Palestine với mong muốn tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông sau nhiều năm bế tắc.

Ngày 23-5, Ngoại trưởng Kerry có mặt tại Jerusalem và Ramallah trong lúc có những nghi ngại về khả năng các bên đạt được tiếng nói chung nhằm nối lại đàm phán hòa bình. Theo Reuters, việc ông Kerry đến Israel 4 lần kể từ khi đảm nhận cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 2 vừa qua đánh dấu nỗ lực của quan chức ngoại giao này trong việc thực hiện cam kết lúc mới trở thành người thay thế bà Hillary Cliton.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem.        						                          Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem. Ảnh: AP

Lần đàm phán gần đây nhất diễn ra vào cuối năm 2010 và bị bế tắc. Nguyên nhân do những tranh cãi xung quanh việc Israel xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây, trong khi Palestine muốn thành lập Nhà nước tại đây.

Gặp gỡ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem, ông Kerry khẳng định mong muốn của Mỹ trong việc kiến tạo hòa bình ở Trung Đông. Thủ tướng Netanyahu cũng nói rằng, ông muốn tái khởi động đàm phán với Palestine. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni và là nhà đàm phán hàng đầu của Israel, Tel Aviv hiện bị chia rẽ bởi vấn đề hòa bình với Palestine. “Có những sự khác biệt về quan điểm trong Chính phủ”, bà Livni  nói. Thông điệp mà bà chuyển đến cho những người theo đường lối cứng rắn là Israel phải thúc đẩy các nỗ lực hòa bình.

Chuyến công cán của ông Kerry tại Jerusalem và Ramallah diễn ra trong bối cảnh các nhà chức trách Palestine tỏ ra bi quan về việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, tạo nên những cái “bắt tay” thật sự, mặc dù vẫn ca ngợi những nỗ lực của Ngoại trưởng Mỹ. Palestine dự kiến nối lại chiến dịch vận động tìm kiếm tư cách thành viên cho lãnh thổ này tại các tổ chức quốc tế quan trọng vào đầu tháng tới, nhằm gây áp lực buộc Israel phải có một số nhượng bộ. Trả lời phỏng vấn báo chí Palestine, bà Hanan Ashrawi - thành viên Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine - nói rằng bà không thấy sự sẵn sàng từ phía Israel để nối lại đàm phán.

AP cho rằng, nếu không có áp lực từ phía Mỹ đối với Israel, triển vọng hòa bình giữa Tel Aviv với Palestine xem ra vẫn là bức tranh ảm đạm. Vấn đề mấu chốt khiến đàm phán bị “treo” là việc Israel xây dựng các khu tái định cư Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem.

Palestine khẳng định sẽ không ngồi vào bàn đàm phán nếu Israel cứ tiếp tục dự án tái định cư. Hơn 500.000 người Israel hiện sống ở Bờ Tây và Đông Jerusalem vô hình trung tạo ra những khó khăn trong việc phân định lại lãnh thổ giữa Israel với Palestine. Palestine yêu cầu Israel “đóng băng” việc xây dựng và chấp nhận đường biên giới trước năm 1967, đồng thời xem đây là đường biên giới tương lai. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố cần nối lại đàm phán mà không có bất kỳ điều kiện nào.

Cũng theo AP, Israel lo ngại Palestine sẽ có được tư cách thành viên ở các cơ quan quốc tế để thúc đẩy chống lại Nhà nước Do Thái. Quan ngại lớn nhất là Palestine sẽ tham gia Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và đưa ra các cáo buộc tội ác chiến tranh đối với Israel.  

Tối cùng ngày, ông Kerry đến Ramallah để gặp gỡ Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.