3 ngày, Triều Tiên phóng 6 tên lửa
Trung Quốc thúc giục CHDCND Triều Tiên phóng thích một tàu cá của nước này bị bắt giữ hồi đầu tháng 5. Đây là vụ việc mới nhất thể hiện quan hệ đồng minh đang phai nhạt.
Tên lửa Unha-3 rời bệ phóng Sohae tại Tongchang-ri, CHDCND Triều Tiên, ngày 12-12-2012. Ảnh: AP |
Chủ tàu cá Yu Xuejun không có mặt trên tàu lúc bị lực lượng CHDCND Triều Tiên bắt giữ vào ngày 5-5 cùng 16 ngư dân. Ông Yu cho biết, tàu hoạt động ở địa điểm cách bờ biển phía Tây của CHDCND Triều Tiên 70km thì bị bắt, phía Bình Nhưỡng yêu cầu khoản tiền chuộc 600.000 Nhân dân tệ (100.000 USD). Trả lời báo Global Times, ông Yu nói rằng đã nhận 8 cuộc gọi từ những người đang giữ các ngư dân của ông để yêu cầu tiền chuộc.
Hãng AP nhận định: Việc bắt giữ tàu cá càng làm Trung Quốc thất vọng với CHDCND Triều Tiên kể từ sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân và tên lửa hồi đầu năm nay. Trong lúc đó, Chính phủ Trung Quốc đang bị áp lực phải bảo đảm sự an toàn cho công dân làm việc ở nước ngoài hoặc mưu sinh trên biển. Nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra trên biển Hoàng Hải, nằm giữa Trung Quốc với bán đảo Triều Tiên. Tháng 5 năm ngoái, 29 ngư dân Trung Quốc và 3 tàu cũng bị những người CHDCND Triều Tiên không rõ danh tính bắt giữ. Hai tuần sau đó, những người này được phóng thích kèm theo tiền chuộc 190.000 USD. Song, không biết phía bắt cóc là các nhà chức trách CHDCND Triều Tiên hay những kẻ khác.
Tân Hoa xã cho hay, các nhà ngoại giao Trung Quốc ở thủ đô Bình Nhưỡng nhận được lời đề nghị trợ giúp của chủ tàu Yu vào ngày 10-5 và họ đã yêu cầu phía CHDCND Triều Tiên thả tàu. Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc Jiang Yaxian xác nhận cơ quan này đã liên hệ với Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên để đề nghị sớm phóng thích tàu và các ngư dân.
Trung Quốc là đồng minh thân thiết nhất của CHDCND Triều Tiên, thậm chí được xem là “huyết mạch kinh tế”, cung cấp hầu như tất cả nhiên liệu cho nước đồng minh này. Các nhà quan sát cho rằng, kinh tế của CHDCND Triều Tiên càng phụ thuộc vào Trung Quốc sau khi Bình Nhưỡng căng thẳng với Hàn Quốc và đóng cửa khu công nghiệp Kaesong. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng gặp khó khi không kiềm chế được Bình Nhưỡng trong các hoạt động thử tên lửa và hạt nhân - vốn là mối quan ngại của Mỹ cùng các quốc gia khu vực Đông Bắc Á. Đầu năm nay, sau vụ việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân thứ ba vào ngày 12-2, Bắc Kinh ủng hộ giải pháp của các nước phương Tây trong việc trừng phạt kinh tế đối với Bình Nhưỡng.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 20-5, Triều Tiên lại bắn hai tên lửa tầm ngắn. Đây là vụ thử tên lửa thứ 5 và 6 mà Bình Nhưỡng thực hiện chỉ trong 3 ngày qua. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, CHDCND Triều Tiên đã bắn một tên lửa vào buổi sáng và một tên lửa khác vào buổi chiều trên vùng biển phía Đông của CHDCND Triều Tiên.
Trước đó, CHDCND Triều Tiên bắn 3 tên lửa dẫn đường tầm ngắn từ bờ biển phía đông vào ngày 18-5 và một tên lửa khác ngày 19-5. Tất cả những động thái này dường như là một phần của cuộc tập trận quân sự.
Yonhap dẫn lời một quan chức quân sự Hàn Quốc nói rằng, dường như CHDCND Triều Tiên đang khơi dậy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản cũng xác nhận vụ việc. Trong lúc đó, Trung Quốc kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, các vụ bắn thử này không gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên như việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo hoặc dọa phóng tên lửa tầm trung Musudan, có tầm bắn 3.500km.
PHÚC NGUYÊN