.

Vệ tinh Ecuador va chạm mảnh vỡ tên lửa Liên Xô

.

Vệ tinh Pegaso - vệ tinh đầu tiên do Ecuador chế tạo và vừa được đưa lên quỹ đạo tháng 4 vừa qua, đã va phải những mảnh còn lại của một chiếc tên lửa do Liên Xô phóng lên vũ trụ năm 1985, tuy nhiên nó đã “sống sót” sau vụ va chạm này.

Vệ tinh Pegaso trước khi được đưa lên quỹ đạo. (Nguồn: Wikipedia)
Vệ tinh Pegaso trước khi được đưa lên quỹ đạo. (Nguồn: Wikipedia)

Giám đốc Cơ quan không gian dân sự Ecuador (Exa), Ronnie Nader, xác nhận sự cố trên xảy ra rạng sáng ngày 23-5, đồng thời cho biết Pegaso vẫn tiếp tục phát sóng, thế nhưng dưới mặt đất không nhận được tín hiệu, vì sau sự cố trên anten của vệ tinh không hướng được về phía Trái đất.

Ông cũng cho hay do vỏ của Pegaso được làm bằng chất liệu vững chắc và các mảnh của tên lửa rất nhỏ nên vụ va chạm không phá hủy được vệ tinh. Exa hi vọng sau 3 tháng sẽ khắc phục xong sự cố.

Một vệ tinh của Argentina cùng được phóng lên quỹ đạo với Pegaso bởi tên lửa đẩy của Trung Quốc hôm 26-4 vừa qua cũng gặp nạn tương tự.

Pegaso được phóng lên quỹ đạo từ một trung tâm vũ trụ của Trung Quốc. Từ ngày 16-5, Exa nhận được tín hiệu video do vệ tinh phát về. Cho đến nay vệ tinh đã gửi về Trái đất hình ảnh của các vùng địa lý tại một số quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Colombia, Ecuador, Peru và Venezuela.

Đây là một chiếc vệ tinh siêu nhỏ, chỉ nặng 1,2 kg. Vệ tinh “sinh đôi” của Pegaso có tên Krysaor sẽ được phóng lên quỹ đạo từ một trung tâm vũ trụ ở Nga vào tháng 8 tới.

Exa và một số doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư 80.000 USD để chế tạo hai vệ tinh trên. Về phần mình, chính phủ Ecuador bỏ ra 700.000 USD để trang trải chi phí phóng lên quỹ đạo, bảo hiểm, và các chi phí hậu cần khác.

Việc phóng Pegaso lên quỹ đạo đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong nỗ lực chinh phục không gian của Ecuador./.

 (Vietnam+)

;
.
.
.
.
.