Thông tin về việc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin hàng loạt hệ thống vũ khí lớn của Mỹ phủ bóng quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, trong lúc Chủ tịch Tập Cận Bình sắp gặp Tổng thống Barack Obama vào tháng 6 tới.
Binh sĩ Trung Quốc truy cập Internet tại căn cứ quân sự ở Hồ Bắc. Ảnh: Reuters |
Hãng AP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, báo cáo của Ủy ban Khoa học quốc phòng Mỹ gửi Lầu Năm Góc công bố trong lúc này có thể ảnh hưởng đến hội nghị thượng đỉnh của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama, thậm chí là mục đích đặt ra là hàn gắn những bất đồng sẽ không thực hiện được. Bản báo cáo này có hồi đầu năm, nhưng đến nay mới được công khai, trong lúc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel có chuyến công du Đông Nam Á nhằm bàn thảo với các đối tác về mối đe dọa an ninh mạng.
Cũng theo AP, các tiết lộ về tin tặc Trung Quốc lấy được dữ liệu gần 40 chương trình vũ khí của Lầu Năm Góc và hàng loạt công nghệ quốc phòng khác làm gia tăng áp lực đối với các nhà lãnh đạo Mỹ trong việc phải có hành động ngăn chặn sự thâm nhập của Bắc Kinh. Các chuyên gia quốc phòng Mỹ cảm giác “sốc” trước mức độ hoạt động gián điệp trên máy tính và khả năng thâm nhập hệ thống quốc phòng Mỹ của tin tặc Trung Quốc. Ông Mark Stokes, Giám đốc điều hành Viện Project 2049 - tổ chức cố vấn chuyên về các vấn đề châu Á, cũng cho rằng danh sách các hệ thống bị ảnh hưởng từ vụ hacker thật sự gây “sốc”.
Nhiều năm qua, các nhà chức trách Mỹ liên tục cảnh báo về những nỗ lực hoạt động gián điệp mạng của cường quốc châu Á nhằm vào các chương trình quân sự và công nghệ cao. Vì vậy, khi Mỹ muốn gia tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương, Washington càng lo ngại rằng, Trung Quốc có thể sử dụng việc lấy cắp thông tin để tiếp cận được các công nghệ tiên tiến và đẩy lùi ưu thế quân sự của Mỹ. Theo Reuters, tháng 6 tới, phía Trung Quốc tiến hành tập trận quân sự công nghệ số. Điều này càng làm gia tăng quan ngại cho Mỹ và nhiều nước khác về các vụ tấn công của những hacker Trung Quốc.
Trong số các chương trình vũ khí bị mất cắp theo công bố lần này có cả một số loại vũ khí tạo nên sức mạnh của hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực châu Á, châu Âu và vùng Vịnh như hệ thống tên lửa Patriot tiên tiến (PAC-3), hệ thống bắn hạ tên lửa đạn đạo và hệ thống tên lửa đạn đạo Aegis của Hải quân Mỹ. Ngoài ra còn có các loại máy bay chiến đấu, tàu chiến quan trọng của Mỹ (chiến đấu cơ F/A-18, máy bay V-22 Osprey, trực thăng Black Hawk và tàu chiến ven biển mới của Hải quân Mỹ). Hacker của Trung Quốc cũng xâm nhập bản thiết kế chiến đấu cơ F-35 - hệ thống vũ khí đắt tiền nhất của Mỹ trị giá khoảng 1.400 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà thầu quốc phòng Mỹ không xác nhận hệ thống của họ có bị thâm nhập hay không. Còn các nhà lãnh đạo Mỹ, trong đó có Tổng thống Obama, muốn nhân dịp này gây sức ép với Trung Quốc. Ông Obama dự kiến đề cập vấn đề an ninh mạng với Chủ tịch Tập Cận Bình trong lần gặp gỡ đầu tiên vào đầu tháng 6 tại Nam California. Trong khi đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little vẫn hạ thấp nguy cơ tấn công vào hệ thống mạng từ phía Trung Quốc và khẳng định cơ quan này tin tưởng hoàn toàn vào sự bảo đảm hệ thống vũ khí của Mỹ.
PHÚC NGUYÊN