Internet đã mang lại sức mạnh và cơ hội giúp nước Mỹ sản sinh những cuộc cách mạng khoa học công nghệ bằng khả năng kết nối, thông tin và giải trí như chưa từng có một công nghệ nào khác trong lịch sử.
Ảnh: tuvancongnghe.nct |
Song, nước Mỹ đã gần như không nhận ra tiềm năng sức mạnh thật sự của việc tiếp cận Internet tốc độ cao hay băng thông rộng. Nếu được khai thác triệt để, sự kết nối băng thông rộng sẽ trở thành một “cỗ máy” tuyệt vời để bảo đảm tạo ra việc làm, phát triển kinh tế và cải cách, tiết kiệm mạnh mẽ trong y tế, giáo dục, bảo tồn năng lượng.
Kỳ vọng về khả năng phát triển mạng băng thông rộng dẫn đầu thế giới trong thế kỷ 21 và lợi ích của mạng băng thông rộng sẽ không xuất hiện ngẫu nhiên mà Chính phủ cần có sự nỗ lực. Trong khi đó, nước Mỹ đã phát minh ra Internet, nhưng đến khi nó phát triển thành mạng băng thông rộng thì Mỹ lại tụt hậu, xếp thứ 15 toàn cầu về khả năng tiếp cận (theo một số nghiên cứu của Mỹ công bố vào năm 2011). Đây là vấn đề của nước Mỹ nhưng cũng là bài toán đáng suy nghĩ đối với việc quản lý và phát triển công nghệ thông tin truyền thông ở nước ta.
Nước Mỹ đang đứng trước giao lộ công nghệ kỹ thuật cao: hoặc phải cam kết tạo ra mạng băng thông rộng để bảo đảm rằng những làn sóng tiếp theo của cuộc cách mạng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế sẽ xuất hiện ở Mỹ; hoặc Washington phải đứng xa nhìn cuộc cách mạng khoa học công nghệ và sự xuất hiện những công việc mới đến từ những quốc gia có hạ tầng công nghệ thông tin rẻ hơn, nhanh hơn và tốt hơn.
Điều này dĩ nhiên không phải là sự lựa chọn. Đó là lý do tại sao năm 2012 Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ đã ban hành một kế hoạch phát triển băng thông rộng quốc gia đầu tiên. Đây được xem là một chiến lược toàn diện để cải thiện đáng kể mạng băng thông rộng và mở rộng lợi ích của chúng đến tất cả người dân Mỹ.
Tuy nhiên, nước Mỹ còn lâu mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng gia tăng. Theo khảo sát năm 2012 của Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ, có hàng triệu người Mỹ không thể tiếp cận mạng băng thông rộng, dẫn đến mất đi cơ hội giao dịch trực tuyến như tìm việc làm, đào tạo công việc trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Tiếp đó là hàng chục triệu người Mỹ được cung cấp hạ tầng băng thông rộng nhưng không thể tiếp cận vì không đủ chi phí, không biết sử dụng, hoặc không nhận thức đúng về lợi ích tiềm năng của nó. Hầu hết người dân Mỹ đều không được cung cấp đường truyền băng thông rộng đủ nhanh để có thể tiếp cận giáo dục từ xa trong y khoa bằng hình ảnh.
Một doanh nghiệp nhỏ cũng cần có băng thông rộng để vận hành, nhưng hiện nay có đến 26% doanh nghiệp khu vực nông thôn của Mỹ không tiếp cận được cáp chuẩn và hơn 70% doanh nghiệp nhỏ không có đường truyền băng thông rộng di động. Theo cách nói của các nhà quản lý thông tin truyền thông, nước Mỹ đang trong tình trạng thiếu tần số, hay “oxy điện tử” để đường truyền băng thông rộng có thể vận hành.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch và tham vọng đề ra ở mức độ cam kết quốc gia, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ cho rằng, điều đầu tiên là cần phải bảo đảm cơ hội như nhau về khả năng tiếp cận dịch vụ đường truyền cần thiết tại nhà. Kế đến, cần phải phát triển đường truyền tốc độ cao, có tính ổn định để phục vụ doanh nghiệp. Kế hoạch sẽ khởi xướng chiến dịch đường truyền tốc độ khủng 1 Gigabit/giây đến hệ thống các trường học, thư viện, cung cấp đường truyền 100 Megabit/giây đến 100 triệu hộ gia đình.
Chính phủ Barack Obama đang khuyến khích tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này bằng cách cấp tần số cho cả mạng không dây và sẵn sàng hỗ trợ hàng tỷ USD để sáp nhập những công ty truyền thông kỹ thuật số thành một tập đoàn lớn có khả năng cung cấp dịch vụ đường truyền băng thông rộng phổ biến. Chính phủ cũng khuyến khích sự cạnh tranh bằng cách dỡ bỏ những rào cản đầu tư và hỗ trợ thông tin để kích cầu tạo ra thị trường.
“Chúng ta có thể tưởng tượng, nếu chiến lược này của nước Mỹ hoàn thành, trẻ em nghèo cũng có thể tiếp cận những giáo viên giỏi, những sách giáo khoa điện tử ngay tại nhà; những bệnh nhân tiểu đường sống ở khu vực nông thôn cũng có thể tiếp cận những bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn trên máy tính. Lịch sử đã dạy cho chúng ta thấy những quốc gia dẫn đầu cuộc cách mạng công nghệ sẽ gặt hái được những phần thưởng vô cùng to lớn”, ông Julius Genachowski - Chủ tịch Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ kêu gọi Chính phủ phải hành động ngay.
THU PHƯƠNG