.

"Cơn thịnh nộ" ở Thổ Nhĩ Kỳ

.

Mọi ánh mắt ở Thổ Nhĩ Kỳ đều dồn vào sự trở về của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan sau chuyến công du 4 ngày đến Bắc Phi. Người ta chờ đợi ông ứng phó như thế nào khi các cuộc biểu tình lan khắp cả nước, chỉ vì phản đối một dự án biến công viên thành khu phố mua sắm.

Người dân sợ hơi cay do cảnh sát sử dụng để trấn áp biểu tình.                                                     Ảnh: AP
Người dân sợ hơi cay do cảnh sát sử dụng để trấn áp biểu tình. Ảnh: AP

Ngày 6-6, những người biểu tình vẫn tuần hành ở Istanbul, Ankara và những thành phố khác, đồng thời kêu gọi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan từ chức và ngừng dự án xây dựng ở Istanbul. Lực lượng biểu tình đụng độ với cảnh sát suốt đêm 5-6. Hàng trăm người ném đá vào cảnh sát và cảnh sát dùng hơi cay để đối phó. Các biểu ngữ chống ông Erdogan được giăng khắp nơi ở thủ đô Ankara. Bạo lực cũng lan sang tỉnh phía Đông Tunceli. Có 3 người thiệt mạng, trong đó có một cảnh sát chết vào ngày 6-6, và hơn 4.000 người khác bị thương trong những vụ bất ổn kéo dài suốt một tuần qua tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng Reuters cho biết, khi về nước, ông Erdogan đối mặt với yêu cầu phải xin lỗi về việc cảnh sát đã “mạnh tay” trấn áp những người biểu tình và ông sẽ phải sa thải những quan chức đã ra lệnh hành động như vậy.

Trước khi trở về, Thủ tướng Erdogan dự đoán biểu tình diễn ra ngay cả vào thời điểm ông đáp chuyến bay đến Ankara. Phát biểu trên truyền hình, ông Huseyin Celik - Phó Chủ tịch Đảng Công lý và Phát triển (AKP) của Thủ tướng đương nhiệm kêu gọi những người ủng hộ đảng này không đổ về sân bay để đón ông Erdogan để tránh những rắc rối có thể xảy ra. “Thủ tướng không cần thể hiện sức mạnh”, ông Celik nói.

Trong khi đó, tại Quảng trường Taksim, những người biểu tình vẫn tập trung, thách thức các nhà chức trách. Lực lượng này tuyên bố tiếp tục biểu tình cho đến khi “đạt được một điều gì đó”. Họ phản đối kế hoạch của Chính phủ trong việc phá bỏ công viên Taksim - một trong số rất ít không gian xanh còn lại tại thành phố Istanbul - để xây dựng khu phố buôn bán. Các nhà quan sát cho rằng, cuộc đấu tranh về không gian đô thị đang làm dấy lên sự bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhiều học giả, nhà phân tích không tán thành cách làm của Chính phủ và cho rằng, chính sự chú trọng quá mức vào các dự án lớn với những tòa nhà chọc trời đã và đang hủy đi không gian sống của người dân.

Cũng theo Reuters, trước đó, Phó Thủ tướng Bulent Arinc - người tạm thay thế Thủ tướng Erdogan trong lúc ông này vắng mặt - đã xin lỗi vì sự trấn áp của cảnh sát đi quá mức cần thiết. Ông Arinc cũng gặp gỡ một đoàn biểu tình tại văn phòng của mình ở Ankara nhưng tất cả những nỗ lực này vẫn không xoa dịu được tình hình.

Điều đáng nói, theo AP, các cuộc biểu tình chống Chính phủ lớn nhất trong nhiều năm qua ở Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa ngành công nghiệp du lịch của nước này. Là đất nước có đông người Hồi giáo, đồng thời là cầu nối giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ thu hút du khách bởi các khu kiến trúc lịch sử cổ xưa, một đô thị tầm thế giới ở Istanbul, các bãi biển Địa Trung Hải và những cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ còn được xem là một trong 19 điểm đến nổi tiếng nhất trên thế giới. Thống kê của Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, năm 2012 có hơn 37,7 triệu du khách đến nước này, còn trong năm nay đã có 5,2 triệu du khách. Khi các cuộc biểu tình và xung đột diễn ra, những bảo tàng, công trình kiến trúc cổ vẫn mở cửa nhưng lượng du khách giảm đáng kể.

BÌNH YÊN
 

;
.
.
.
.
.