(ĐNĐT) - Theo Liên Hiệp Quốc (LHQ), dân số thế giới sẽ đạt 7,2 tỷ người vào tháng tới và 10,9 tỷ người vào năm 2100, phần lớn sự gia tăng dân số là kết quả của mức sinh cao tại các nước đang phát triển.
Dân số thế giới sẽ đạt mức 7,2 tỷ người vào tháng 7 tới. |
Báo cáo “Triển vọng dân số thế giới” mới nhất của LHQ công bố hôm 13-6, số lượng người sống ở hành tinh chúng ta vào đầu thế kỷ tới có thể lên đến 16,6 tỷ người. Trong đó, người dân tại các khu vực nghèo nhất thế giới dự kiến sẽ tăng lên đáng kể.
Số lượng dân cư ở các nước kém phát triển nhất trên thế giới dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 898 triệu người trong năm nay lên 1,8 tỷ người vào năm 2050 và sẽ tăng lên đến 2,9 tỷ người vào năm 2100.
Ngược lại, dân số ở các nước phát triển trên thế giới dự báo sẽ vẫn không thay đổi, nhích tăng từ 1,25 tỷ người trong năm nay lên khoảng 1,28 tỷ trong năm 2100.
“Mặc dù tốc độ tăng trưởng dân số của thế giới nhìn chung đã chậm lại, tuy nhiên tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, tốc độ này vẫn đang phát triển nhanh chóng”, ông Ngô Hồng Ba, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, cho biết.
Một nửa trong mức tăng dân số của thế giới giữa năm 2013 và 2100 được cho là tập trung chủ yếu ở 8 quốc gia: Nigeria, Ấn Độ, Tanzania, Congo, Niger, Uganda, Ethiopia và Mỹ.
Cũng theo báo cáo của LHQ, dân số của Ấn Độ dự kiến sẽ vượt qua Trung Quốc vào khoảng năm 2028, khi cả hai nước sẽ có số dân khoảng 1,45 tỷ người. Trong khi dân số Ấn Độ được dự báo sẽ tăng lên đến 1,6 tỷ người và sau đó giảm từ từ xuống còn 1,5 tỷ người vào năm 2100, thì dân số Trung Quốc dự kiến sẽ bắt đầu giảm sau năm 2030, có thể giảm xuống còn 1,1 tỷ người năm 2100.
LHQ cũng dự báo tuổi thọ con người sẽ tăng. Số người có độ tuổi ít nhất là 80 sẽ tăng từ 120 triệu người năm nay lên 392 triệu người vào năm 2050 và đạt mức 830 triệu người năm 2100. 68% số người tầm 80 tuổi chủ yếu sống ở các nước đang phát triển tính cho tới năm 2050.
Vĩnh Thụy (Aljazeera, AFP)