.

Hàn - Trung tìm tiếng nói chung

.

Hôm nay (27-6), Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc để tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. 

Tổng thống Park Geun-hye sẽ gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. 						              Ảnh: Yonhap
Tổng thống Park Geun-hye sẽ gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Ảnh: Yonhap

Hãng Yonhap cho rằng, chuyến công cán lần đầu tiên của Tổng thống Park Geun-hye đến Trung Quốc thu hút sự chú ý của các nước khác cũng như dư luận quốc tế, bởi điều mà các thành viên tham gia đàm phán 6 bên quan tâm là Bắc Kinh sẽ thể hiện cam kết như thế nào trong việc hỗ trợ kết thúc chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Bà Park Geun-hye dự kiến gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hội nghị Thượng đỉnh Hàn - Trung diễn ra trong lúc Trung Quốc có lập trường cứng rắn hơn với đồng minh CHDCND Triều Tiên, nhất là sau khi Bình Nhưỡng thử tên lửa vào tháng 12 năm ngoái và thử hạt nhân lần thứ ba vào tháng 2 năm nay.  

Hồi đầu tháng này, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thống nhất với Washington rằng, sẽ không bao giờ công nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và Bình Nhưỡng nên ngừng tham vọng hạt nhân. Yonhap cho rằng, đây là quan điểm cứng rắn khác thường lệ của Bắc Kinh dành cho đồng minh truyền thống. Đối với Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun-hye lần này sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc để gây áp lực với CHDCND Triều Tiên trong việc từ bỏ chương trình hạt nhân và trở thành “một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Phát biểu ngay trước thềm chuyến  thăm, Tổng thống Park Geun-hye cũng khẳng định ưu tiên của bà là làm vững chắc thêm hợp tác Hàn - Trung, hướng tới đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Các quan chức tại Hàn Quốc cho rằng, thời điểm tái định vị trục Seoul - Bắc Kinh - Bình Nhưỡng đã chín muồi. Các hãng thông tấn đều dự đoán cả Trung Quốc lẫn Hàn Quốc sẽ đưa ra thông cáo chung với cam kết hợp tác để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Theo một quan chức Hàn Quốc, vấn đề chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên không dễ giải quyết. Trung Quốc được xem là quốc gia duy nhất có ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhận định: Bắc Kinh có thể thay đổi thái độ đối với đồng minh của mình bởi vụ thử hạt nhân hồi tháng 2 đã làm dấy lên nhiều quan ngại. Cũng theo các nhà phân tích, Bắc Kinh có thể e ngại, việc Bình Nhưỡng trang bị vũ khí hạt nhân sẽ tạo cho Nhật Bản cái cớ để thúc đẩy sức mạnh quân sự, tạo ra cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Bắc Á.

Từ sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 2, Trung Quốc ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh cũng tham gia các giải pháp trừng phạt của Mỹ trong việc ngừng tất cả giao dịch với Ngân hàng Ngoại thương CHDCND Triều Tiên - đơn vị bị cáo buộc tài trợ cho các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Song, cũng có một số quan điểm cho rằng, thái độ cứng rắn của Trung Quốc gần đây đối với CHDCND Triều Tiên không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ thay đổi chính sách của mình. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ vẫn ưu tiên quan tâm Bình Nhưỡng bởi sự bất ổn định của quốc gia láng giềng này có thể làm tổn thương đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Thời gian gần đây, CHDCND Triều Tiên đề xuất đối thoại sau nhiều tháng căng thẳng. Yonhap dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, những đề xuất này có thể chịu sự tác động của Bắc Kinh.

Hàn Quốc và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Kể từ đó, hai nước có những bước tiến trong quan hệ kinh tế và thương mại, cụ thể là Trung Quốc vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc. Đi cùng Tổng thống Park Geun-hye lần này là 71 lãnh đạo doanh nghiệp của Hàn Quốc, con số kỷ lục so với chuyến công cán của Tổng thống Lee Myung-bak cũng đến Bắc Kinh vào năm 2008. Lúc đó, ông Lee đồng hành với 36 lãnh đạo doanh nghiệp.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.