.

Hướng đến thế giới không vũ khí hạt nhân

.

Phát biểu trong chuyến thăm Đức ngày 19-6, Tổng thống Barack Obama cam kết cắt giảm 1/3 số vũ khí hạt nhân của cả Mỹ lẫn Nga.

Tổng thống Barack Obama (phải) gặp gỡ Tổng thống Đức Joachim Gauck tại Berlin.       Ảnh: AP
Tổng thống Barack Obama (phải) gặp gỡ Tổng thống Đức Joachim Gauck tại Berlin. Ảnh: AP

Các quan chức Mỹ cho rằng, tuyên bố của Tổng thống Barack Obama tại thủ đô Berlin thể hiện quan điểm của ông trong việc bảo đảm hòa bình, an ninh của một thế giới không vũ khí hạt nhân. Đây cũng là lần đầu tiên ông Obama đến Đức kể từ khi nắm quyền Tổng thống Mỹ.

Hãng AP cho biết, theo đề xuất của ông Obama, Washington và Mátxcơva mỗi bên sẽ cùng cắt giảm 1.000 đầu đạn hạt nhân. Nga chưa chính thức có phản ứng đối với đề nghị của Mỹ trong lúc hai cường quốc đang căng thẳng xung quanh vấn đề Syria, nhưng các quan chức Washington xác nhận, Mỹ sẽ tìm cách đàm phán với Nga để “hai nước có thể để lại sau lưng tâm lý thời Chiến tranh Lạnh”.

Đề xuất của Tổng thống Obama được đưa ra sau hai năm Hiệp ước START mới - thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Nga - có hiệu lực. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược này kêu gọi cả hai nước hạn chế vũ khí hạt nhân, giảm còn 1.550 đầu đạn hạt nhân vào năm 2018. Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G8) diễn ra ở Bắc Ireland đầu tuần này, Tổng thống Obama cũng đã thảo luận với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các nhà phân tích cho rằng, việc kêu gọi hợp tác giữa lúc này xem ra chưa thật sự phù hợp, bởi ngoài bất đồng về cuộc nội chiến ở Syria, Nga vẫn cảnh giác với Mỹ về các kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu, dù Washington khẳng định tấm chắn tên lửa không nhằm vào Mátxcơva.

Theo AP, Tổng thống Obama cũng cam kết cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà Mỹ đang triển khai tại châu Âu. Hiện Mỹ có khoảng 20 đầu đạn hạt nhân tại Đức, giảm từ con số 200 vào năm 1989 - thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ. Để thực hiện mục tiêu đưa ra tại Berlin lần này, người đứng đầu nước Mỹ cũng sẽ làm việc với các đồng minh NATO.

Nhà Trắng dẫn lời ông Obama khẳng định Mỹ sẽ chỉ xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp bảo vệ các lợi ích sống còn của nước này hoặc của các đồng minh, đối tác. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh ông sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại The Hague (Hà Lan) vào năm 2014 và chủ trì một hội nghị an ninh hạt nhân vào năm 2016 để bàn thảo về việc ngăn chặn khủng bố hạt nhân.
Các nguồn tin còn cho hay, số vũ khí hạt nhân dự trữ thường được bảo vệ bí mật và chặt chẽ, nhưng các chuyên gia chính sách hạt nhân nói rằng, không có nước nào vượt qua Mỹ và Nga để sở hữu hơn 300 kho vũ khí hạt nhân. Các nhà khoa học Mỹ ước tính con số này ở Pháp là 300, Trung Quốc: 240, Anh: khoảng 225; trong khi đó Israel, Ấn Độ và Pakistin mỗi nước có khoảng 100.

Năm 2008, ông Obama từng phát biểu tại công viên Tiergarten của Đức trước khoảng 200.000 người. Lúc đó, ông còn là ứng viên Tổng thống Mỹ và người dân Đức xem ông là “ngôi sao chính trị”. Hơn 4 năm ông Obama nắm quyền, một số người dân châu Âu tỏ ra thất vọng vì cho rằng, nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ cũng đi theo các chính sách của người tiền nhiệm - cựu Tổng thống G.W.Bush. Tuy nhiên, Reuters cho biết, Tổng thống Obama vẫn được chào đón nồng nhiệt tại Đức, nhất là trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Angela Merkel - một trong những đồng minh châu Âu thân thiết nhất của ông.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.