.

Mỹ lúng túng truy tìm "người thổi còi"

.

Mỹ khẳng định cường quốc này đã mất niềm tin đối với Hong Kong khi đặc khu hành chính để “kẻ tội đồ” của Washington, Edward Snowden, rời khỏi nơi này và bặt tăm.

Những người ủng hộ Edward Snowden mang theo chân dung của anh tập trung trước Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong.  			Ảnh: Reuters
Những người ủng hộ Edward Snowden mang theo chân dung của anh tập trung trước Lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong. Ảnh: Reuters

Ngày 27-6, Tổng lãnh sự Mỹ Stephen Young tại Hong Kong cảnh báo: Sẽ là cuộc đấu tranh lớn để khôi phục niềm tin của Washington đối với đặc khu hành chính sau chuyến bay đưa Snowden từ lãnh thổ này đến Mátxcơva. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ tại Hong Kong công khai phát biểu xung quanh việc truy tìm tung tích người tiết lộ chương trình giám sát mạng Internet và điện thoại của Cơ quan Tình báo quốc gia (NSA). “Niềm tin của Washington đã lung lay”, ông Stephen Young nói.

Cũng theo ông Stephen Young, Mỹ và Hong Kong vốn có mối quan hệ tốt đẹp nhưng Washington đã “mất niềm tin vào thời điểm này”, đồng thời việc lấy lại niềm tin đó là điều không dễ. Trong các bài phát biểu gần đây, tức trước khi xảy ra vụ vén màn bí mật của NSA, ông Stephen Young thường ca ngợi các nhà chức trách Hong Kong và mối quan hệ gắn kết giữa đặc khu hành chính với Mỹ.

Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ ngày 26-6 cho rằng, Hong Kong viện cớ nhầm lẫn tên lót của Edward Snowden để “né” đề nghị của Washington. Theo ông Rimsky Yuen, người phụ trách tư pháp của Hong Kong, Chính phủ Mỹ đã viết nhầm tên lót của Snowden trong các giấy tờ đề nghị bắt giữ anh. Chẳng hạn, hồ sơ nhập cư của Hong Kong viết tên lót của Snowden là “Joseph”, trong khi phía Mỹ lại viết “James”, có khi viết ngắn gọn Edward J. Snowden. Tuy nhiên, Washington cho rằng, đây chỉ là cái cớ, mà thực chất là Hong Kong đã làm ngơ và để Snowden rời khỏi nơi đây.

Snowden được cho là vẫn ở khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo (thuộc thủ đô Mátxcơva) và đang tìm kiếm con đường an toàn đến Ecuador, quốc gia mà anh xin tị nạn. Song, Chính phủ Quito đến nay vẫn để ngỏ khả năng chấp nhận cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), thậm chí bác bỏ thông tin cho rằng, nước này đã cấp hộ chiếu và các giấy tờ liên quan cho Snowden. Trong lúc đó, Mỹ vẫn tiếp tục thể hiện sự lúng túng thông qua việc đe dọa các nước khác không nên chứa chấp “kẻ tội đồ”. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez cảnh báo sẽ thúc giục đình chỉ những ưu đãi về thương mại đối với hàng hóa từ Ecuador nếu Quito chấp nhận cho Snowden tị nạn chính trị.

Vẫn chưa rõ Snowden hiện ở đâu. Theo các nhà phân tích, việc anh đến Nga đang làm phủ bóng quan hệ giữa Mátxcơva với Washington và cũng làm Điện Kremlin đau đầu. Mỹ đã phái một đoàn cấp cao do cựu Thứ trưởng Ngoại giao kiêm đại sứ tại Nga Williams Burns dẫn đầu, đến Mátxcơva để thuyết phục Tổng thống Vladimir Putin cùng các quan chức rằng, Điện Kremlin cần trục xuất Snowden.

Reuters cũng cho biết, ngày 27-6, một máy bay chở khách của Hàng không Aeroflot rời Mátxcơva đến thủ đô Havana (Cuba) nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện diện của Snowden. Cuba cũng được xem là một điểm đến của Snowden trên hành trình tìm đường sang Ecuador.

BÌNH YÊN
 

;
.
.
.
.
.