.

Mỹ - Trung: Gạt bỏ bất đồng để hợp tác

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều khẳng định hai cường quốc hàng đầu thế giới cần phải hợp tác hơn là chia rẽ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sunnylands. Ảnh: AFP

Đó cũng là thông điệp khi kết thúc cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung tại khu nghỉ dưỡng ở thành phố Rancho Mirage, bang California (Mỹ). Hội nghị Thượng đỉnh này diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-6.

Hãng AP cho biết, chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là chuyến đi xây dựng niềm tin khi giữa hai cường quốc vốn có quá nhiều bất đồng và rạn nứt, từ chuyện an ninh mạng đến vấn đề CHDCND Triều Tiên, tiền tệ, rồi cả sự trỗi dậy của Bắc Kinh, chiến lược “xoay trục châu Á” của Washington… Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung lần đầu tiên kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3-2013 được mô tả là “tích cực và mang tính xây dựng”, đánh dấu sự đột phá của một vài chính sách. Tổng thống Obama hoan hỉ nói rằng, cuộc gặp gỡ giữa ông với nhà lãnh đạo Trung Quốc “rất tuyệt vời”. Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu thận trọng rằng, cuộc gặp tại California nhằm định hướng tương lai cho quan hệ Mỹ - Trung. “Mối quan hệ nước lớn kiểu mới” được đặt ra, theo đó ông Obama và ông Tập bắt tay hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đồng thời cùng chia sẻ lợi ích.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon cho hay, Tổng thống Obama đã cảnh báo Chủ tịch Tập Cận Bình: vấn đề an ninh mạng có thể là một trở ngại trong quan hệ Washington - Bắc Kinh. Ông Donilon không cho biết thêm chi tiết, chỉ dẫn lời người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh: Washington không nghi ngờ các hacker có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều này trái với các thông tin trước đó khi các nhà chức trách thuộc Chính phủ của ông Obama hoài nghi tin tặc Trung Quốc truy cập và đánh cắp những bí mật quân sự Mỹ.

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trong thời gian qua, một phần do hàng loạt vụ hacker xảy ra và hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Ông Donilon từng khẳng định an ninh mạng hiện là “trung tâm của quan hệ” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến Mỹ, cố vấn cấp cao về ngoại giao của ông, cựu Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, cho biết Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ hơn là chia rẽ trong vấn đề an ninh mạng. “An ninh mạng không nên trở thành nguyên nhân gốc rễ của sự nghi ngờ và chia rẽ lẫn nhau, thay vào đó nó phải là một điểm sáng trong sự hợp tác”, ông Dương Khiết Trì nói. Còn Chủ tịch Tập Cận Bình không trực tiếp bác những cáo buộc gần đây của Mỹ, chỉ nói rằng Trung Quốc cũng là nạn nhân của các hành động tấn công mạng, nhưng ông đồng thời bác bỏ trách nhiệm của Bắc Kinh đối với các vụ hacker xảy ra tại Mỹ.

Tháng 7 tới, nhóm làm việc về an ninh mạng mà hai bên đã nhất trí thành lập sẽ bắt đầu nhóm họp. Giới phân tích cho rằng, phản ứng của Tổng thống Obama về gián điệp mạng xem ra không có sức nặng bởi chính ông đang “đau đầu” trước scandal Chính phủ Mỹ nghe lén điện thoại của hàng chục triệu người như một giải pháp ngăn chặn khủng bố. Ông Obama đang chịu áp lực phải trả lời người dân Mỹ về vụ việc này.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc, các quan chức Nhà Trắng kỳ vọng ông Tập Cận Bình sẽ tạo dựng quan hệ sâu sắc với Washington hơn những người tiền nhiệm, bởi ông không những từng sống ở Iowa trong thời gian ngắn mà còn đưa con gái sang Mỹ du học.

Theo AP, Tổng thống Obama có nhiều điểm chung với Chủ tịch Tập Cận Bình hơn so với cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Cả hai nhà lãnh đạo đương nhiệm đều đam mê thể thao: ông Obama chơi bóng rổ và golf, còn ông Tập thích bơi lội...

Sau lần gặp ở California, ông Obama và ông Tập Cận Bình sẽ gặp gỡ trở lại vào tháng 9 tới, bên lề một hội nghị kinh tế ở Nga. Ông Tập đã mời người đứng đầu Nhà Trắng sớm đến thăm Trung Quốc để tham dự một cuộc đối thoại trực tiếp tương tự.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.