.

Nhiệm kỳ thứ ba của ông Sharif

.

Ông Nawaz Sharif trở lại nắm quyền Thủ tướng Pakistan trong lúc đất nước này đối mặt hàng loạt vấn đề như tham nhũng, cắt điện và tình trạng bạo lực.

Ông Nawaz Sharif trở lại nắm quyền sau 13 năm bị lật đổ.                  Ảnh: AFP
Ông Nawaz Sharif trở lại nắm quyền sau 13 năm bị lật đổ. Ảnh: AFP

Nhiệm kỳ thứ ba của ông Sharif vốn được đánh dấu bằng chiến thắng của Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML-N) trong cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 11-5 vừa qua với 176/342 ghế ở Hạ viện. Ngày 4-6, Quốc hội phê chuẩn ông làm Thủ tướng với 244/342 phiếu, hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực đầu tiên giữa hai Chính phủ do dân bầu (Chính phủ do PML-N lãnh đạo sắp tới và Chính phủ tiền nhiệm của Đảng Nhân dân Pakistan-PPP) trong lịch sử gần 66 năm ở Pakistan - một đất nước thường xảy ra đảo chính. Sự phê chuẩn này cùng lễ tuyên thệ nhậm chức vào tối cùng ngày đánh dấu sự trở lại của vị chính khách 63 tuổi sau 13 năm bị quân đội lật đổ và phải sống lưu vong, mặc dù các ứng viên khác của Đảng PPP và Đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf sẽ chống lại ông.

Tuy nhiên, theo AFP, niềm vui của ông Sharif chỉ đến trong chốc lát bởi phía trước ông là quá nhiều thách thức, trong đó có việc vực dậy nền kinh tế đang đình trệ, chấm dứt các cuộc tấn công của lực lượng Taliban và những đợt không kích của Mỹ. Các nhà quan sát cho rằng, hai sứ mệnh - cũng là hai ưu tiên hàng đầu - chính là phục hồi kinh tế và cải thiện an ninh. Thay đổi nền kinh tế là điều cần thiết để bảo đảm sự ổn định chính trị của quốc gia sở hữu hạt nhân vốn là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Do sự quản lý yếu kém của Chính phủ, sau nhiều năm, nạn tham nhũng trong ngành điện dẫn đến việc cắt điện 20 giờ/ngày đang diễn ra ở Pakistan, bất chấp mùa hè nóng bức. Đây là “chướng ngại” lớn đối với phát triển kinh tế và ông Sharif cũng từng cam kết xây dựng các nhà máy điện mới để khắc phục tình trạng này. Các nhà kinh tế học cho rằng, Pakistan phải mất nhiều năm mới phục hồi được nền kinh tế bị bỏ quên trong cơn đói năng lượng và khát đầu tư. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, kinh tế Pakistan sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5% trong năm tài khóa 2012-2013, nhưng con số này thấp hơn nhiều so với mức 9% của năm 2004. Đồng rupee cũng mất gần 40% giá trị so với đồng USD kể từ cuộc bầu cử năm 2008.

Theo giới phân tích, Pakistan có tiềm năng tăng trưởng lớn khi nằm ở vị trí giao với các nước vùng Vịnh, Trung Á, Trung Quốc và Ấn Độ cùng với dân số trẻ. Song, ông Sharif lại thừa hưởng “di sản” với vùng Đông Bắc không được kiểm soát, thường xảy ra bạo lực do các chiến binh gây ra và bạo lực sắc tộc.

Các chiến binh Taliban tại Pakistan đã có các chiến dịch đẫm máu chống lại Chính phủ trong những năm gần đây và hiện đe dọa an ninh của đất nước. Ông Sharif nói rằng, ông muốn đối thoại hòa bình với Taliban. Song, thủ lĩnh thứ hai Waliur Rehman của lực lượng này thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ hồi tuần trước nên có những quan ngại rằng sẽ khó thực hiện được ý tưởng hòa bình với các chiến binh.

Ngoài ra, quan hệ giữa Pakistan với Mỹ cũng là vấn đề quan trọng mà ông Sharif phải lưu tâm, nhất là khi NATO rút quân khỏi nước láng giềng Afghanistan vào cuối năm 2014.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.