Afghanistan cáo buộc Mỹ trở mặt trong vấn đề đàm phán với Taliban bởi Kabul bất ngờ bị loại khỏi cuộc hội đàm này.
Quân đội Afghanistan bắt đầu đảm trách an ninh tại đất nước này. Ảnh: AP |
Quan hệ đồng minh thân thiết giữa Mỹ và Afghanistan đang rạn nứt nghiêm trọng, điều hiếm khi xảy ra kể từ năm 2001 đến nay - thời điểm Washington phát động cuộc chiến ở quốc gia Nam Á để chống khủng bố. Tuy nhiên, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy, đàm phán giữa Mỹ và Taliban diễn ra vào ngày 20-6 tại thủ đô Doha của Qatar (giờ địa phương) như dự kiến. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, đàm phán sẽ được tổ chức trong một vài ngày tới sau khi bị trì hoãn vì những bất đồng xung quanh việc đặt tên văn phòng mới của Taliban ở Qatar.
Hãng Reuters dẫn lời các nhà lãnh đạo Afghanistan tức giận cho rằng, việc Mỹ đàm phán trực tiếp và công khai với Taliban bên ngoài lãnh thổ Afghanistan là hành động “đi đêm”, làm tổn hại vai trò của Chính phủ Kabul. “Khi nào tiến trình hòa bình không do Afghanistan dẫn đầu thì Hội đồng Hòa bình Tối cao sẽ không tham gia các cuộc bàn thảo tại Qatar”, tuyên bố của Tổng thống Karzai nêu rõ. Hội đồng Hòa bình Tối cao do ông lập vào năm 2010 để tìm kiếm hòa bình thông qua đàm phán với Taliban, nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài 12 năm qua.
Cái “bắt tay” ngầm giữa Mỹ và Taliban khiến Afghanistan tức giận cũng là điều dễ hiểu bởi Kabul xem tiến trình hòa bình là ưu tiên hàng đầu. Tổng thống Karzai cũng tuyên bố hủy bỏ đàm phán giữa Kabul với Mỹ về hiệp định an ninh song phương năm 2014 - thời điểm lực lượng nước ngoài rút hết khỏi quốc gia Nam Á này. Ông Karzai trước đó còn khẳng định sẽ không đàm phán với Taliban trừ khi Mỹ rút khỏi bàn nghị sự. Theo nhà lãnh đạo Kabul, hành động của Mỹ là “lá mặt lá trái”. Các cuộc điện thoại của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng không xoa dịu được người đứng đầu Chính phủ Kabul.
Mỹ từng cam kết Taliban chỉ có thể sử dụng Doha làm nơi đàm phán, chứ không phải có văn phòng hẳn hoi tại Qatar treo cờ “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” (tên gọi của chính quyền Taliban từ năm 1996-2001, tức khoảng thời gian trước khi bị lật đổ). Afghanistan cho rằng, điều này trái ngược với cam kết của Mỹ về vai trò của Kabul. Bộ Ngoại giao Qatar cũng đã buộc Taliban phải tháo bỏ dòng chữ “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” khỏi văn phòng đại diện. Theo giới quan sát, một văn phòng Taliban được hình thành đồng nghĩa với việc lực lượng này không còn là một nhóm chiến binh nữa mà là một tổ chức chính trị.
Chuẩn bị cho sứ mệnh chiến đấu của NATO kết thúc tại Afghanistan vào cuối năm tới, các quan chức Mỹ muốn nối đàm phán với Taliban. Song, ông Karzai - Tổng thống duy nhất của Afghanistan kể từ khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001 - phản đối đàm phán của Mỹ với lực lượng này. Theo Hãng Sky News, mục tiêu của Washington là không muốn Afghanistan bị xem là thiên đường an toàn cho lực lượng cực đoan. Trong khi đó, Taliban muốn kết thúc sự hiện diện của quân đội nước ngoài và muốn Mỹ phóng thích các tù nhân Taliban bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo ở Cuba. Washington yêu cầu Taliban phải kết thúc liên quan đến Al-Qaeda, chấm dứt bạo lực và ủng hộ Hiến pháp Afghanistan.
Các nhà quan sát nhận định: Những tranh cãi, bất đồng đang diễn ra có thể làm tiến trình hòa bình giữa Afghanistan với Taliban kéo dài và sẽ khó khăn để kết thúc cuộc chiến. Đến nay, Taliban vẫn từ chối đối thoại với Kabul, thậm chí gọi Tổng thống Karzai và Chính phủ của ông là bù nhìn của phương Tây. Song, một quan chức cấp cao Afghanistan mới đây lại cho biết, Taliban hiện sẵn sàng xem xét đối thoại.
BÌNH YÊN