.

Rò rỉ chương trình gián điệp của Mỹ: Phép thử quan hệ hai bờ đại dương

.

Người làm dậy sóng dư luận khi tiết lộ chương trình theo dõi người dùng Internet và điện thoại của Mỹ chọn Hong Kong làm nơi trú ẩn, đặt quan hệ Washington - Bắc Kinh vào phép thử mới.

Edward Snowden được gọi là “người thổi còi” trong vụ tiết lộ chương trình gián điệp của Mỹ. 								Ảnh: AP
Edward Snowden được gọi là “người thổi còi” trong vụ tiết lộ chương trình gián điệp của Mỹ. Ảnh: AP

Edward Snowden từng là nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), hiện là nhân viên nhà thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton thuộc Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở Hawaii - nhân vật chính của vụ tiết lộ chương trình thu thập dữ liệu từ việc sử dụng Internet (PRISM) - trả phòng tại khách sạn Mira ở Hong Kong vào ngày 10-6. Theo tờ The Guardian của Anh, Snowden đến Hong Kong vào ngày 20-5. Chưa rõ anh đang ở đâu nhưng các nguồn tin cho hay, “người hùng” 29 tuổi này vẫn ở Hong Kong.

Trong lúc đó, nhà báo Glenn Greenwald của tờ The Guardian - tác giả của các bài báo về vụ tiết lộ chương trình nghe lén - cho biết ông đã liên lạc với Snowden, nhưng không xác nhận “người hùng” còn ở Hong Kong hay không. Greenwald cũng nói rằng, ông không biết các kế hoạch sắp tới của Snowden. Các bài báo của Greenwald dựa trên thông tin do Snowden cung cấp.

Chương trình PRISM mà Snowden làm rò rỉ vốn cho phép NSA và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) truy cập trực tiếp hệ thống máy chủ thuộc các công ty Internet của Mỹ như Google, Microsoft, Apple, Facebook và những hãng khác, thu thập các thư điện tử, cuộc trò chuyện qua video, tin nhắn trên mạng để theo dõi nghi phạm nước ngoài…

Hãng AP dẫn lời Chủ tịch Tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein gọi việc làm của Snowden là “hành động phản quốc” và cần phải bị truy tố. Chính phủ của Tổng thống Obama đang xem xét đưa ra cáo buộc với Snowden, đồng thời bảo vệ bằng được chương trình gián điệp mà Washington cho là cách để giữ nước Mỹ khỏi những kẻ khủng bố.

Hãng AP cho rằng, việc Snowden chọn Hong Kong làm điểm đến vô hình trung kéo Trung Quốc vào một vấn đề nội bộ của Mỹ trong lúc Washington và Bắc Kinh rất khó khăn tìm tiếng nói chung để giải quyết câu chuyện an ninh mạng. Chuyên gia về chính trị Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan tại Đại học Baptist ở Hong Kong nhận định: Vụ việc xảy ra trong “thời điểm nhạy cảm” khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa kết thúc ở California, trong đó an ninh mạng là thách thức lớn mà cả hai cường quốc đều quan tâm. Hàng loạt vụ hacker thời gian qua đủ làm các quan chức Mỹ và Trung Quốc “đau đầu”, kéo quan hệ của hai quốc gia ở hai bờ đại dương xuống mức ảm đạm. Mỹ và Hong Kong vốn ký một hiệp định dẫn độ vào năm 1996, tức một năm trước khi đặc khu hành chính này được trao trả cho Trung Quốc. Mỹ và Hong Kong cũng từng hợp tác theo yêu cầu dẫn độ tội phạm, trong đó năm 2003, Hong Kong trao trả cho Washington 3 nghi can Al-Qaeda.

Theo các nhà phân tích, bất kỳ cuộc đàm phán nào về việc trao trả Snowden cũng sẽ liên quan đến Bắc Kinh, nhưng cường quốc châu Á dường như không hề muốn làm tổn hại quan hệ với Mỹ chỉ vì một người ít mang lại lợi ích chính trị. Vì vậy, quyết định của Snowden đến Hong Kong có thể là sai lầm.

Theo ông David Zweig, chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, cả Washington lẫn Bắc Kinh cũng sẽ không muốn lãng phí những nỗ lực tại hội nghị ở California. Trong khi đó, Cabestan - chuyên gia của Đại học Baptist ở Hong Kong - cho rằng sự hiện diện của Snowden tại đặc khu hành chính tạo ra cơ hội để hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thể hiện sự hợp tác.

Vụ rò rỉ chương trình gián điệp của Mỹ làm châu Âu lo lắng. Ngoài cuộc tranh luận vào ngày 11-6 của Nghị viện châu Âu, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) cũng nói rằng, họ sẽ tìm kiếm câu trả lời từ những nhà ngoại giao Mỹ tại Hội nghị cấp Bộ trưởng xuyên Đại Tây Dương ở Dublin (Ireland) vào cuối tuần này.

Một thăm dò dư luận do Báo Washington Post thực hiện và công bố cho biết, đa số người Mỹ nghĩ việc Chính phủ giám sát điện thoại là hành động có thể chấp nhận được nếu mang mục đích chống khủng bố.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.