.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Niềm tin chiến lược là chìa khóa hòa bình

.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn An ninh châu Á lần thứ 12 (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore vào cuối tuần qua thu hút sự chú ý của báo giới cũng như dư luận, nhất là việc kêu gọi xây dựng niềm tin chiến lược để giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở các vùng biển, nổi bật là tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.                                                  Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Reuters

Xây dựng niềm tin chiến lược là chìa khóa hòa bình, hợp tác và thịnh vượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Song, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảnh báo tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang diễn biến rất phức tạp, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực. Thủ tướng cũng kêu gọi các nước thực hiện nguyên tắc giải quyết tranh chấp hòa bình. Theo đó, các bên liên quan đều phải kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực. Tại diễn đàn ở Singapore, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thúc giục ASEAN và Trung Quốc cùng tuân thủ quy tắc ứng xử, sự ràng buộc pháp lý để ngăn chặn xung đột trên Biển Đông.

Tiếng nói của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á, thể hiện quan điểm nhất quán của Nhà nước ta rằng, là quốc gia ven biển, Việt Nam khẳng định và quyết tâm bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của mình theo đúng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Thực tế, vùng biển châu Á trở nên “nóng” hơn với Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông, gây bất bình cho các nước liên quan. Việc “xây dựng niềm tin chiến lược”, theo lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được cho là sẽ giúp xoa dịu tình hình trên các vùng biển tranh chấp, mỗi nước liên quan sẽ kiềm chế, tránh những hành động gây hấn, tạo ra sự bất ổn cho khu vực. Đặc biệt, xây dựng niềm tin chiến lược giúp các nước hiểu biết nhau hơn; nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình, từ đó có chiến lược cũng như việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp ngày càng nhiều vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung.

Tuy nhiên, ngày 2-6, cũng tại Đối thoại Shangri-La, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Tướng Thích Kiến Quốc khẳng định các tàu chiến nước này sẽ tiếp tục tuần tra tại những vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, trong đó có Biển Đông. Tuyên bố của vị quan chức quân đội Trung Quốc đi ngược lại với lời kêu gọi của Việt Nam, thậm chí mâu thuẫn với các phát biểu từ giới chức Bắc Kinh trước đó đối với vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở châu Á - Thái Bình Dương. Ông Thích Kiến Quốc nói rằng, Trung Quốc chưa bao giờ xem sự bành trướng ra nước ngoài hay chinh phạt quân sự là chính sách quốc gia (!?). “Mặc dù gần đây xảy ra một số vấn đề nóng với các láng giềng của Trung Quốc, chúng tôi luôn chủ trương xung đột và tranh chấp phải được giải quyết hợp lý thông qua đối thoại, tham vấn, đàm phán hòa bình”, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc nhấn mạnh.

Hãng Reuters dẫn lời ông Thích Kiến Quốc còn bác bỏ những nhận định mang tính quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Ông cho rằng, sự phát triển và thịnh vượng của cường quốc châu Á này là cơ hội lớn, chứ không phải là thách thức hay đe dọa đối với các nước ở châu Á - Thái Bình Dương.

Dù ông Thích Kiến Quốc gọi Trung Quốc là “nước yêu hòa bình”, đồng thời trả lời hàng loạt câu hỏi của báo giới và các học giả tại Đối thoại Shangri-La, nhưng nếu tàu của Bắc Kinh tiếp tục hiện diện trên những vùng biển tranh chấp - như ông tuyên bố, đó là chưa kể những hành động gây hấn như từng diễn ra, thì “niềm tin chiến lược” sẽ là bài toán khó. Bài toán này sẽ khó tìm ra lời giải khi chỉ cần một nước thiếu thiện chí.

Tạo sức mạnh tổng hợp để đối phó thách thức

Ngày 2-6, tại phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị, có bài phát biểu nhấn mạnh sự cần thiết của việc thúc đẩy hợp tác quốc phòng, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đối phó với những thách thức chung, coi đây là một trong những biện pháp quan trọng nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ hợp tác, phát triển của châu Á - Thái Bình Dương. Về địa chính trị, châu Á - Thái Bình Dương có 3 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Về tương lai phát triển, châu Á - Thái Bình Dương tập trung nhiều nước có công nghệ cao và trình độ quản lý tiên tiến với số lao động hùng hậu và tài nguyên dồi dào. Đây là những nhân tố quyết định để khu vực này trở thành một trong những trung tâm phát triển của thế giới. Với vị thế chiến lược và tiềm năng to lớn đó, cùng với hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo, châu Á - Thái Bình Dương đang đứng trước vận hội lớn để đóng góp có tính chất quyết định vào sự phát triển của thế giới trong thế kỷ 21, mặc dù chưa có sự ổn định một cách đầy đủ, cũng chưa có sự ổn định một cách bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, các nước cần tiếp tục xây dựng lòng tin và cách tốt nhất để xây dựng lòng tin vẫn là hành động. Hãy bắt đầu hợp tác từng mặt, rồi từ kết quả hợp tác lại củng cố lòng tin để đi đến hợp tác sâu rộng hơn, trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực hơn. Muốn vậy, các nước phải thực tâm hợp tác, đặc biệt là các cường quốc, phải thể hiện rõ quyết tâm, có đầu tư thích đáng, thực hiện cam kết đi đôi với hành động, lấy hành động trên thực tế để chứng minh cho trách nhiệm của mình. Trong quá trình hợp tác, cần lắng nghe dư luận, quyết định trên cơ sở luật pháp quốc tế, có tính đến lợi ích chính đáng của các bên, thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng lợi ích của nhau, cũng như tôn trọng lợi ích chung của khu vực. Làm được như vậy sẽ không tạo ra sự khu biệt và không đơn phương giải quyết các vấn đề mang tính khu vực cũng như quốc tế.

TTXVN

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.