.

48 giờ cho Tổng thống Mursi

.

Quân đội Ai Cập cho Tổng thống Mohammed Mursi “cơ hội cuối” bằng “tối hậu thư” 48 giờ, kể từ tối 1-7 (sáng 2-7, giờ Việt Nam) để đáp ứng các yêu cầu của hàng triệu người biểu tình trên đường phố.

Đường phố Cairo tràn ngập người biểu tình chống Tổng thống Mursi.                                                              Ảnh: Reuters
Đường phố Cairo tràn ngập người biểu tình chống Tổng thống Mursi. Ảnh: Reuters

Sau đúng một năm nắm quyền, Tổng thống Mursi rơi vào thế khó và dường như bị cô lập khi ông vừa phải đối phó với đám đông biểu tình, vừa đối phó với quân đội. Yêu cầu của những người biểu tình là ông Mursi rời bỏ cương vị Tổng thống, nếu không thì quân đội sẽ can thiệp vào công việc của Chính phủ và áp đặt kế hoạch của lực lượng này. Ngày 3-7 (giờ địa phương) là thời hạn cuối cùng để ông Mursi chia sẻ quyền lực. Chưa hết, Ngoại trưởng Kamel Amr lại từ chức, để lại khoảng trống quyền lực trong nội các. Trước đó, 5 bộ trưởng khác và cố vấn quân sự của ông Mursi - Tướng Sami Anan, và Thống đốc tỉnh chiến lược Ismailia bên kênh đào Suez Hassan el-Rifaai cũng từ nhiệm.

Hãng AP cho biết, tuyên bố của quân đội phát sóng trên truyền hình Ai Cập kêu gọi Tổng thống rời cương vị làm nhiều người vui mừng, reo hò, nhảy múa trên các đường phố. Tuy nhiên, “tối hậu thư” của quân đội Ai Cập cũng làm gia tăng nguy cơ phản ứng từ chính những người ủng hộ phe Hồi giáo của ông Mursi, trong đó có Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và những người theo đường lối cứng rắn. Các thành viên cấp cao của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo dùng từ “đảo chính” để mô tả về “tối hậu thư”. Phe ủng hộ ông Mursi khẳng định sẽ chống lại đảo chính. Theo họ, bất kỳ nỗ lực nào loại bỏ Tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ cũng đồng nghĩa với đảo chính. Những người ủng hộ cho rằng, “di sản” mà ông Mursi thừa hưởng từ một chính quyền tham nhũng có quá nhiều vấn đề. Vì vậy, ông nên tại nhiệm để hoàn thành nhiệm kỳ của mình cho đến năm 2016.

Bất chấp sức ép, ông Mursi bác bỏ “tối hậu thư” và nói rằng, ông không hề được tham vấn và sẽ theo đuổi kế hoạch của riêng mình về vấn đề hòa giải dân tộc. Theo Reuters, cuộc đối đầu giữa Tổng thống và phe đối lập đang đẩy quốc gia Arab đông dân nhất đến bờ vực thẳm trong lúc khủng hoảng kinh tế sâu sắc sau 2 năm ông Hosni Mubarak bị lật đổ. Tình hình của Ai Cập còn làm Mỹ, châu Âu và nước láng giềng Israel lo ngại. Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đến Tanzania nói rằng, mặc dù ông Mursi được dân bầu nhưng Chính phủ vẫn phải tôn trọng các nhóm thiểu số và đối lập ở Ai Cập.

Với nhiều người dân Ai Cập, họ không bận tâm lắm đến sự chia rẽ của đất nước mà việc phục hồi kinh tế là vấn đề quan trọng hơn cả. Bất ổn kể từ cuối “triều đại” Mubarak tác động mạnh đến du lịch và đầu tư cũng như nền tài chính của đất nước. Đến thời của ông Mursi, khủng hoảng vẫn tiếp diễn.

THIÊN BÌNH
 

;
.
.
.
.
.