.

Ai Cập: Giao tranh lại xảy ra, hơn 800 người thương vong

.

(ĐNĐT) - Giao tranh đã nổ ra trên toàn Ai Cập vào tối hôm qua (5-7) giữa những người ủng hộ Tổng thống Mohamed Morsi và phe chống đối, làm ít nhất 26 người chết và hàng trăm người bị thương. Số người chết sẽ còn tăng thêm khi bạo lực lan rộng kể từ khi quân đội phế truất Tổng thống đầu tiên được bầu cử một cách dân chủ.

Bộ Y tế Ai Cập cho biết ít nhất đã có 26 người chết và hơn 850 người bị thương trong các cuộc đụng độ trên cả nước.

Trong số người chết có 5 người ủng hộ ông Moris đã bị quân đội bắn ngay trước sở chỉ huy của Vệ binh Cộng hòa, nơi mà người ta cho là đang giam giữ ông Morsi, Đảng Anh em Hồi giáo cùng Đảng Tự do và Công lý cho biết.

Cảnh tượng giao tranh giữa phe chống đối và phe ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Moris tại Thủ đô Cairo, Ai Cập, tối ngày 5-7-2013. Ảnh: Getty
Cảnh tượng giao tranh giữa phe chống đối và phe ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Moris tại thủ đô Cairo, Ai Cập, tối ngày 5-7. Ảnh: Getty

Tại thủ đô Cairo, một đám đông gần 5.000 người ủng hộ ông Morsi đã vượt qua cầu Sáu Tháng 9 bắc qua sông Nile để tới gần quảng trường Tahrir, khu vực của phe chống đối. Họ đụng độ với những người biểu tình chống ông Morsi và giao tranh nổ ra trên đường phố.

Các cảnh tượng tương tự đã xảy ra tại thành phố Alexandria, thành phố Luxor, Damanhour, Beni Suef. Bán đảo Sinai đã bị đặt trong tình trạng khẩn cấp sau khi các tay súng tấn công một sân bay địa phương.

Tại quảng trường Tahrir, cảnh sát và quân đội đã không can thiệp trong vòng 2 tiếng ở cái gọi là sự mở màn đầu tiên của giao tranh giữa các phe phái kể từ khi ông Morsi bị phế truất hôm thứ Tư (3-7).

Hai bên đã chọi nhau bằng đá, pháo sáng và bom xăng làm một ô tô bị thiêu rụi. Các cuộc đụng độ chỉ kết thúc khi các xe bọc thép của quân đội xuất hiện vào lúc 10 giờ tối giờ địa phương.

Tình trạng bạo lực sẽ rung chuông báo động tại nước Mỹ. Washington tới nay đã tránh gọi cuộc lật đổ ông Morsi của quân đội là “đảo chính”, một từ mà theo luật pháp Mỹ, sẽ buộc phải dừng nguồn viện trợ hằng năm cho Ai Cập trị giá 1,5 tỷ USD.

Những người chống đối ông Morsi gọi đó không phải là một cuộc đảo chính mà là một sự can thiệp để áp đặt “ý chí của nhân dân”.

Phát ngôn viên của Anh Em Hồi giáo, Gehad El-Haddad cho rằng phong trào này đang đối mặt với sự trấn áp từ một định chế của quốc gia chưa được cải cách từ thời ông Mubarak: “Đó là đất nước cũ của cảnh sát của ông Mubarak với mỗi một thành phần và ác mộng vốn đã có từ trước cuộc Cách mạng 25-1. Như thể chúng tôi đã đụng phải nút “reset”.

Quang Hiển (theo CNN, Reuters)

;
.
.
.
.
.