Sự hiện diện của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns tại Cairo ngày 15-7 làm người Ai Cập hoài nghi động cơ của Washington đối với quốc gia vừa trải qua cuộc đảo chính.
Những người ủng hộ và chống đối ông Mursi tiếp tục xuống đường vào ngày 15-7. Ảnh: Reuters |
Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ đến Ai Cập kể từ khi Tổng thống Mohammed Mursi bị lật đổ vào ngày 3-7 vừa qua. Washington nói rằng, ông Burns sẽ thúc giục chấm dứt bạo lực và chuyển giao lãnh đạo cho một chính phủ dân sự được bầu cử dân chủ.
Hãng Reuters cho biết, biểu tình tiếp tục diễn ra trong lúc ông Mursi hiện diện ở thủ đô Cairo vào ngày 15-7. Người dân Ai Cập vẫn bị chấn động sau những ngày đẫm máu với các cuộc xung đột khiến 92 người thiệt mạng. Dù giữa những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mursi và những người chống đối ông có sự mâu thuẫn sâu sắc, nhưng hiện nay họ cùng thống nhất trong cách nghĩ về sự nghi ngờ động cơ của Mỹ. Washington đang kêu gọi phóng thích ông Mursi mặc dù đến nay tung tích của ông vẫn chưa rõ. Những người chống lại ông Mursi chỉ trích Mỹ hậu thuẫn cho nhà lãnh đạo này; còn với những người ủng hộ ông Mursi, Washington đứng sau kịch bản lật đổ vị Tổng thống đầu tiên được bầu dân chủ, khơi mào cho những ngày tháng bất ổn như cuối thời Hosni Mubarak.
Khủng hoảng ở Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab, vốn ký hiệp ước hòa bình với Israel vào năm 1979, là sự báo động đối với các đồng minh ở khu vực cũng như phương Tây. Hiện diện ở Cairo, ông Burns sẽ gặp gỡ các quan chức Chính phủ lâm thời và quân đội. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, ông Burns sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với người dân Ai Cập nhằm chấm dứt bạo lực, thực hiện tiến trình chuyển giao cho một Tổng thống được bầu dân chủ. Mỹ vẫn không gọi cuộc nổi dậy của quân đội và những người biểu tình lật đổ ông Mursi là đảo chính. Bởi lẽ, theo luật pháp của Washington, nếu thừa nhận đó là cuộc đảo chính thì sẽ phải ngừng 1,3 tỷ USD mà nền kinh tế hàng đầu thế giới viện trợ cho Ai Cập mỗi năm.
Trong khi đó, tổ chức Huynh đệ Hồi giáo lại cho rằng, việc lật đổ ông Mursi là đảo chính và “tẩy chay” Chính phủ của Thủ tướng lâm thời Hazem al-Beblawi. Còn người đứng đầu quân đội, ông Abdel Fattah al-Sisi chỉ nói rằng, lực lượng của ông chỉ thực hiện ý nguyện của người dân sau khi quá đông người biểu tình tràn xuống đường phố yêu cầu Tổng thống Mursi phải từ chức.
Theo Reuters, chưa rõ Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có gặp gỡ các thành viên của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo trong chuyến công cán này hay không (dự kiến cuộc gặp diễn ra vào tối 16-7). Lực lượng Hồi giáo lớn nhất Ai Cập vốn tuyên bố không muốn tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực mặc dù các nhà chức trách khẳng định rằng, Chính phủ mới được thành lập với các vị trí dành cho cả tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.
Trong số các bộ trưởng mới được Thủ tướng lâm thời Beblawi lựa chọn, nhà kinh tế học được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến ở Mỹ, ông Ahmed Galal, đã được chọn làm Bộ trưởng Tài chính. Ông sẽ có nhiệm vụ vực dậy một nền kinh tế vốn chìm trong khủng hoảng 2,5 năm. AP cho rằng, sứ mệnh này sẽ trở nên dễ dàng hơn, ít nhất là trong nhiệm kỳ ngắn ngủi này, sau khi Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait cam kết viện trợ cho Ai Cập 12 tỷ USD.
PHÚC NGUYÊN