.

Ai Cập khó bầu cử sớm

.

Kế hoạch bầu cử sớm do Tổng thống lâm thời Ai Cập Adly Mansour công bố đã bị Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bác bỏ.

Những người biểu tình cam kết không nhượng bộ cho đến khi ông Mursi trở lại nắm quyền. 							     Ảnh: Reuters
Những người biểu tình cam kết không nhượng bộ cho đến khi ông Mursi trở lại nắm quyền. Ảnh: Reuters

Đường phố ở thủ đô Cairo ngày 9-7 trở nên yên tĩnh hơn. Song, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vẫn kêu gọi những người biểu tình tiếp tục hành động và điều này làm gia tăng nguy cơ bạo lực vốn đã làm ít nhất 51 người chết và 435 người khác bị thương trong một ngày trước đó. Bạo lực đẫm máu đã và đang gây sốc đối với người dân Ai Cập khi họ quá mệt mỏi vì tình trạng bất ổn kéo dài từ 2,5 năm trước, lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak lúc đó, còn nay thì phế truất Tổng thống Mohammed Mursi. Chính phủ Ai Cập ngày 9-7 tuyên bố sẽ điều tra “ngày đẫm máu nhất”. Các tang lễ cũng diễn ra với quan ngại rằng, các đám tang này có thể khơi mào cho bạo lực mới.

Với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, việc thay đổi Hiến pháp và bầu cử vào đầu năm tới là điều khó chấp nhận. Một ban soạn thảo thay đổi Hiến pháp sẽ được thành lập trong vòng 15 ngày tới. Trưng cầu dân ý về Hiến pháp cũng sẽ diễn ra vào tháng 11-2013 để mở đường cho bầu cử Quốc hội vào tháng 12 và bầu cử Tổng thống vào tháng 2 năm tới.

Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo “tẩy chay” mọi hoạt động trong tiến trình bầu cử sớm. Hàng nghìn người ủng hộ ông Mursi đổ xuống đường phố phía Đông Bắc Cairo, cam kết không nhượng bộ cho đến khi ông trở lại nắm quyền.

Ông Erian, Phó Chủ tịch Đảng Tự do và Công lý (FJP), phe cánh chính trị của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, cho rằng tuyên bố của Tổng thống lâm thời Mansour về bầu cử sớm là sắc lệnh của một người do quân đội đảo chính bổ nhiệm. Ông Ahmad Abu-Barakah, cố vấn pháp lý của FJP, chỉ trích sắc lệnh là “không hợp lệ và không hợp pháp”. Chuyên gia hàng đầu về Hiến pháp của Ai Cập, Nathan Brown, tại Đại học George Washington ở Washington (Mỹ) nhận định: Sắc lệnh của nhà lãnh đạo lâm thời Ai Cập đặt ra tiến trình rõ ràng cho sự chuyển giao quyền lực.

Theo Reuters, nỗ lực của Tổng thống lâm thời Mansour vẫn chưa thể xoa dịu được phản ứng tức giận của những người ủng hộ ông Mursi. Song, Đảng Nour - lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập và ủng hộ tiến trình chuyển giao quyền lực - khẳng định sẽ chấp nhận cựu Bộ trưởng Tài chính Samir Radwan làm Thủ tướng lâm thời. Trước đó, Đảng Nour bác bỏ việc bổ nhiệm ông Mohamed ElBaradei, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và từng là Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), làm Thủ tướng.

Những diễn biến tại Ai Cập đang làm các đồng minh phương Tây lo lắng. Đến nay Mỹ vẫn không mô tả hành động của quân đội Ai Cập là đảo chính bởi nếu dùng tên gọi này theo luật pháp, Washington sẽ phải ngừng toàn bộ viện trợ cho Cairo. Chính phủ của Tổng thống Barack Obama chỉ kêu gọi quân đội Ai Cập kiềm chế tối đa.

Nhà Trắng cho biết sẽ không ngay lập tức cắt viện trợ 1,5 tỷ USD/năm đối với Ai Cập, hầu hết số tiền được chuyển cho quân đội Cairo. Tuy nhiên, điều này không nhận được sự tán thành tuyệt đối tại Quốc hội Mỹ và người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney phải lý giải nguyên nhân Washington không gọi việc lật đổ ông Mursi là hành động đảo chính. Một số nghị sĩ cho rằng, cần phải tính toán lại việc rót tiền cho Ai Cập với quân đội nước này đã phế truất một Tổng thống được bầu dân chủ.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.