Ít nhất 42 người thiệt mạng trong ngày 8-7 khi những người biểu tình Hồi giáo vẫn phản ứng tức giận vì việc ông Mohammed Mursi bị lật đổ.
Thủ đô Cairo vẫn tràn ngập những người biểu tình ủng hộ ông Mohammed Mursi. Ảnh: Reuters |
Ngày 8-7 tiếp tục là ngày đẫm máu ở Ai Cập. Ngoài 42 người chết, còn có hơn 200 người khác bị thương khi khủng hoảng chính trị đang leo thang mạnh ở đất nước này. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cho rằng, có đến 53 người chết, bao gồm cả trẻ em, và khoảng 300 người khác bị thương. Tuyên bố của quân đội cho hay, khoảng 200 người bị bắt giữ, đồng thời tìm thấy vũ khí, đạn dược, bom xăng tại trụ sở của Đảng Tự do và Công lý (FJP) - phe cánh chính trị của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Ngay sau đó, quân đội đã ra lệnh đóng cửa trụ sở FJP.
Không chỉ những người ủng hộ Tổng thống Mohammed Mursi phản ứng tức giận mà tổ chức Huynh đệ Hồi giáo còn kêu gọi người dân Ai Cập tiếp tục nổi dậy chống lại quân đội. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của ông Mursi cáo buộc quân đội đã thực hiện cuộc đảo chính để lật đổ một Tổng thống hợp pháp - nhà lãnh đạo đầu tiên được bầu một cách dân chủ. Tổ chức này tuyên bố sẵn sàng chấp nhận các sáng kiến hòa giải dân tộc nếu ông Mursi trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, quân đội khẳng định việc phế truất ông Mursi không phải là đảo chính mà là thực hiện theo ý nguyện của người dân sau khi hàng trăm nghìn người xuống đường kêu gọi Tổng thống từ chức.
Hãng Reuters cho biết, những người ủng hộ ông Mursi tổ chức biểu tình ngồi bên ngoài trụ sở lực lượng Cận vệ cộng hòa ở thủ đô Cairo - nơi được cho là giam giữ ông Mursi - thì bị nã súng. Quân đội chỉ trích những người biểu tình là “nhóm khủng bố”. Còn Đảng Nour - lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập, sau Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo - vốn ủng hộ việc lật đổ ông Mursi mô tả việc nã súng vào người biểu tình là hành động thảm sát. Đến nay Đảng Nour vẫn giữ quan điểm không ủng hộ người được chọn làm Thủ tướng lâm thời, ông Mohamed ElBaradei. Đảng này còn “tẩy chay” các cuộc đàm phán để thành lập Chính phủ nhằm hướng đến bầu cử mới.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng chỉ trích vụ nã súng là sự thảm sát, đồng thời kêu gọi khởi động tiến trình bình thường hóa chính trị, trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng của người dân Ai Cập. Tuần trước, chính ông Davutoglu lên án cuộc đảo chính của quân đội Cairo và gọi đây là hành động không thể chấp nhận được. Trong khi đó, Đảng FJP thúc giục cộng đồng quốc tế can thiệp, không để xảy ra thảm sát hơn nữa và không để Ai Cập trở thành “một Syria mới”.
Các nhà quan sát cho rằng, vụ việc ngày 8-7 làm trầm trọng thêm tình hình ở Ai Cập. Những diễn biến hiện tại đặt đất nước có 84 triệu dân vào tình thế nguy hiểm, với sự chia rẽ, đối đầu giữa các phe phái chính trị và sẽ khó hàn gắn rạn nứt này trong lúc nền kinh tế vẫn chìm trong khủng hoảng. Với nhiều người Hồi giáo, việc lật đổ ông Mursi làm gia tăng quan ngại Ai Cập có thể trở lại thời kỳ suy thoái như thời kỳ Tổng thống Hosni Mubarak với cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” vào tháng 1-2011.
PHÚC NGUYÊN