.

ASEAN nỗ lực tháo gỡ căng thẳng

.

Nhiều vấn đề được đặt ra tại Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ở Brunei ngày 1-7. Trong đó, Mỹ kêu gọi ASEAN và Trung Quốc xoa dịu căng thẳng, đồng thời Bắc Kinh thúc giục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) đến tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN ở Brunei.   Ảnh: AFP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) đến tham dự Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN ở Brunei. Ảnh: AFP

Hãng Channel News Asia cho biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Brunei, mang theo sứ mệnh tái khẳng định mạnh mẽ nhất cam kết của Washington trong việc liên quan tới an ninh và ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Nóng” vấn đề Biển Đông

Ngoại trưởng Mỹ nói rằng, ASEAN và Trung Quốc cần thúc đẩy tiến trình tháo gỡ căng thẳng trên Biển Đông - khu vực mà Washington đặc biệt quan tâm. Ông kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm thiết lập bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để ngăn chặn xung đột có thể diễn ra.

Hãng Channel News Asia dẫn lời ông Kerry tuyên bố Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, cả phía Trung Quốc lẫn phía ASEAN. Song, theo ông, Washington quan tâm đến cách giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông và thái độ ứng xử của các bên. “Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình, ổn định, sự tôn trọng luật pháp quốc tế, thương mại hợp pháp mà không bị cản trở và tự do hàng hải trên Biển Đông”, ông Kerry nói. Ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ mối nghi ngại chính quyền Tổng thống Barack Obama ít tập trung vào châu Á hơn sau khi cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nghỉ hưu. Đồng thời, ông Kerry trấn an các nước khác khi có những quan ngại về việc Mỹ muốn cân bằng lực lượng ở châu Á để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. “Chúng tôi có nhiều mục tiêu. Chúng tôi có các lợi ích kinh tế và an ninh. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, điều quan trọng là hành động của chúng tôi không nhằm cân bằng đối với bất kỳ quốc gia nào”, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố.  

Nhà phân tích Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định: Các cuộc đàm phán tại Brunei là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng bàn thảo về COC với ASEAN. Song, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh: Bất kỳ tiến trình nào sẽ phụ thuộc vào các nước liên quan. Hiện Bắc Kinh và Manila vẫn cáo buộc lẫn nhau rằng nước này vi phạm chủ quyền của nước kia.

Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên phi hạt nhân hóa

Bên lề ARF, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, mục tiêu không thể thay đổi là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nêu vấn đề này trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Pak Ui-chun. Để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân, theo ông Vương Nghị, cần tiến hành đàm phán 6 bên và Trung Quốc sẽ tiếp tục trao đổi với tất cả các bên liên quan để thúc đẩy đạt được mục tiêu chung, tạo điều kiện nối lại đàm phán.  

Đàm phán 6 bên với sự tham gia của hai miền Triều Tiên và Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, bế tắc từ cuối năm 2008 đến nay. Trung Quốc là đồng minh thân thiết nhất và là nước viện trợ kinh tế cũng như bảo trợ về ngoại giao của CHDCND Triều Tiên. Song, thời gian gần đây, quan hệ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng không nồng ấm như trước do quốc gia phía Bắc trên bán đảo Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba hồi tháng 2 vừa qua.

Hàn Quốc và Mỹ đều muốn Trung Quốc gây áp lực đối với CHDCND Triều Tiên. Bắc Kinh vẫn chần chừ bởi lo ngại sẽ làm tổn hại đến lợi ích của hai nước. Tuy nhiên, Yonhap dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc có thể đang thay đổi chính sách đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái và thử hạt nhân hồi tháng 2 năm nay.

Trong lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Washington, Bắc Kinh và Seoul hoàn toàn thống nhất về những nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Ba nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có cuộc đối thoại 3 bên tại Brunei nhằm thúc đẩy hợp tác, giải quyết khủng hoảng về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hãng AP cho hay, CHDCND Triều Tiên cử Ngoại trưởng nắm quyền lâu năm nhất, ông Pak Ui Chun (80 tuổi) đến tham dự diễn đàn ở Brunei.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.