.

ASEAN tập trung vấn đề Biển Đông

.

Các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á ngày 30-6 khởi động diễn đàn lớn của khu vực tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei, trong đó tập trung xoa dịu căng thẳng với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Các Ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei.                                                                 Ảnh: Reuters
Các Ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei. Ảnh: Reuters

Các cuộc hội đàm kéo dài từ ngày 30-6 đến ngày 2-7, với sự tham dự của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các nước khác trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà ngoại giao cảnh báo rằng, Diễn đàn An ninh khu vực (ARF) nếu thất bại sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột trên Biển Đông.

Ngày 30-6, Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario mô tả sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại các đảo nhỏ Scarborough và Second Thomas là sự đe dọa các nỗ lực duy trì hòa bình trên biển cũng như ổn định trong khu vực. Tuyên bố của Philippines được AFP và Reuters dẫn lời nêu rõ ông Del Rosario bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Song, nhà ngoại giao Philippines không nêu chi tiết. Gần đây, Manila cáo buộc Bắc Kinh xâm phạm lãnh thổ sau khi 3 tàu Trung Quốc tiến đến gần một bãi san hô nhỏ của Philippines.

Trong khi đó, tờ Nhật báo Trung Quốc cảnh báo Philippines rằng, thách thức của Manila có thể dẫn đến hành động khiêu khích của Trung Quốc. Philippines vốn có những phản ứng mạnh mẽ trước tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông. Tháng 6 vừa qua, Philippines đưa quân đội và các trang thiết bị lên bãi san hô - khu vực vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc không công nhận và chỉ trích hành động của Manila là bất hợp pháp. “Nếu Philippines tiếp tục khiêu khích Trung Quốc thì một cuộc phản công là điều khó tránh khỏi”, tờ Nhật báo Trung Quốc viết.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào năm ngoái chứng kiến sự thất bại của khối khi lần đầu tiên trong lịch sử Hiệp hội này không có thông cáo chung. Sự chia rẽ đó diễn ra trong lúc ASEAN phải đối phó với những tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc trên Biển Đông. Phát biểu trước thềm hội nghị năm nay, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định sự đồng thuận của ASEAN trong lúc này và cho biết, khối sẽ thúc giục Trung Quốc nhanh chóng đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo Bộ Ngoại giao Thái Lan, có một số tiến triển giữa ASEAN và Trung Quốc khi hai bên thống nhất trên nguyên tắc việc tổ chức một hội nghị quan chức cấp cao về COC cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại Trung Quốc vào cuối năm nay. Theo đó, Thái Lan sẽ tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN nhằm củng cố lập trường của khối này đối với các tranh chấp trên biển trước khi diễn ra cuộc họp cấp Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc vào tháng 8 tới.

Về phía Mỹ, có mặt tại ARF, các quan chức Washington dự kiến nêu vấn đề tranh chấp trên Biển Đông dù cường quốc ở bên kia đại dương không có vai trò ở vùng biển này. Ngoại trưởng John Kerry cho biết, Mỹ muốn duy trì và thúc đẩy hòa bình trong khối ASEAN. Theo Tân Hoa xã, đây là cách để Mỹ trấn an một số đồng minh khi Washington chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến ông Kerry sẽ có các cuộc gặp với những người đồng cấp Trung Quốc và Nga.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.