.

Bạo lực vẫn đe dọa Ai Cập

.

Biểu tình được cho là sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 12-7, theo lời kêu gọi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo - lực lượng ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi. Những ngày tháng bình yên ở Ai Cập vẫn là điều xa vời.

Những người ủng hộ ông Mursi dự kiến tiếp tục xuống đường biểu tình vào ngày 12-7.  Ảnh: AP
Những người ủng hộ ông Mursi dự kiến tiếp tục xuống đường biểu tình vào ngày 12-7. Ảnh: AP

Kêu gọi của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo làm gia tăng nguy cơ bạo lực ở Ai Cập khi lực lượng này kiên quyết đấu tranh để phục hồi quyền lực cho ông Mursi. Sự chia rẽ giữa các phe phái với những cuộc xung đột đẫm máu bao phủ không khí ảm đạm lên quốc gia giàu có nhất thế giới Arab. Sáng sớm 11-7, hàng trăm người Hồi giáo vẫn tuần hành trước dinh Tổng thống, nhưng không khí yên ắng hơn bởi không xảy ra xung đột.

Hãng Reuters cho biết, mâu thuẫn chính trị đe dọa trì hoãn các kế hoạch chuyển giao quyền lực. Trong lúc đó, quân đội vẫn “mạnh tay” với các lãnh đạo của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, cáo buộc họ kích động biểu tình và xung đột ở thủ đô Cairo, cụ thể là vụ việc quân đội nã súng làm 53 người biểu tình thiệt mạng vào ngày 8-7 vừa qua.

Người phát ngôn của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo Gehad El-Haddad nói rằng, các lãnh đạo của lực lượng này không bị bắt, một số người vẫn tham dự buổi cầu nguyện tại đền Rabaa Adawiya, nơi mà hàng nghìn người ủng hộ ông Mursi tập trung biểu tình trong hai tuần qua. Ông Haddad chỉ trích cáo buộc lãnh đạo của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo kích động bạo lực chẳng qua là nỗ lực nhằm giải tán biểu tình. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Badr Abdelatty, Tổng thống bị lật đổ Mursi vẫn ở một nơi an toàn.
Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi bày tỏ hy vọng nội các sẽ được hình thành vào đầu tuần tới, mở đường cho quá trình chuyển giao quyền lực bằng các cuộc bầu cử trong vòng 6 tháng nữa. Một số nhà phân tích cho rằng, việc bổ nhiệm ông Beblawi làm Thủ tướng là “sự lựa chọn phù hợp”, bởi ông là nhà kinh tế học, từng làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các của cựu Thủ tướng Essam Sharaf vào năm 2011 và làm Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế. Song, một số khác có quan điểm ngược lại.

Đến lúc này, cam kết của các nước khác viện trợ cho Ai Cập lên đến 12 tỷ USD. Đồng thời, vẫn không có thông tin gì về việc Mỹ ngừng viện trợ cho Cairo. Tuy nhiên, cả hai phe phái ở đất nước có 84 triệu dân đều chuyển sang đối đầu với Mỹ. Lực lượng phản đối ông Mursi cho rằng, Chính phủ của Tổng thống Barack Obama ủng hộ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo nắm quyền. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Mursi lại tin rằng, Washington đứng sau âm mưu lật đổ vị Tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ.

Có thông tin cho hay, trong vài tuần tới, Mỹ sẽ chuyển cho Ai Cập 4 máy bay chiến đấu F-16. Các máy bay này là một phần trong đơn đặt hàng của Cairo gồm 20 máy bay. Trong đó, Washington đã chuyển 8 chiếc cho Ai Cập hồi tháng 1; 8 chiếc còn lại sẽ được chuyển vào cuối năm nay.

Ngày 11-7, Ai Cập cáo buộc rằng Iran can thiệp vào công việc nội bộ của Cairo là điều không thể chấp nhận được. Trước đó, Tehran chỉ trích việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mursi và bày tỏ quan ngại đối với động thái này.

PHÚC NGUYÊN
 

;
.
.
.
.
.