.

Cuộc chiến niềm tin

.

Cuộc chạy đua bầu cử ở Thượng viện Nhật Bản vào cuối tuần qua và cả chặng đường sau thắng lợi lớn của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền là những cuộc chiến để giành lấy niềm tin của người dân.

Thủ tướng Shinzo Abe gắn hoa bên cạnh tên các ứng cử viên của LDP.   					               Ảnh: AP
Thủ tướng Shinzo Abe gắn hoa bên cạnh tên các ứng cử viên của LDP. Ảnh: AP

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Tokyo ngày 22-7, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng, Chính phủ sẽ mất niềm tin của công chúng nếu không thực hiện các cải cách như đã cam kết, trong đó then chốt và ưu tiên hàng đầu là phải làm sống dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, từng một thời đứng vị trí thứ hai toàn cầu. “Nếu chúng ta rút lui khỏi cải cách và trở lại một LDP cũ thì sẽ đánh mất niềm tin của người dân”, ông Abe nói. Vị Thủ tướng 58 tuổi nhấn mạnh: “Ngày hôm nay là sự khởi đầu thật sự đối với chúng ta”.

Các hãng truyền thông Nhật Bản ngày 22-7 xác nhận, LDP của ông Abe và đối tác - Đảng New Komeito - giành được 76/121 ghế ở Thượng viện. Cộng với 59 ghế không phải bầu lại, liên minh cầm quyền hiện có 135/242 ghế, nắm quyền kiểm soát ở cả hai cơ quan lập pháp Thượng viện và Hạ viện. Và như vậy, Thủ tướng Abe cuối cùng đã gỡ được “nút cổ chai” - thế bế tắc tại Quốc hội - vốn cản trở các chính sách của những người tiền nhiệm.

Theo Reuters, thắng lợi của LDP minh chứng rằng, người dân Nhật Bản đặt niềm tin vào chính sách kinh tế Abenomics của ông, bao gồm: nới lỏng tiền tệ, tăng các khoản chi khổng lồ cho lĩnh vực công và thực hiện chiến lược tăng trưởng toàn diện. Việc cử tri bỏ phiếu bầu cho LDP cũng làm gia tăng cơ hội lần đầu tiên kể từ khi ông Junichiro Koizumi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào năm 2006, sẽ có một nhà lãnh đạo Nhật Bản nắm quyền lâu dài, thay vì chỉ duy trì nhiệm kỳ ngắn ngủi. Và sứ mệnh đó đang được trao cho ông Abe, người trở lại cương vị Thủ tướng vào tháng 12 năm ngoái.

Hãng AP nhận định: Với việc giành quyền kiểm soát ở cả hai viện Quốc hội, Chính phủ của ông Abe hiện là một trong những Chính phủ có ảnh hưởng và hoạt động hiệu quả nhất Nhật Bản trong nhiều năm qua.

Song, khó khăn đặt ra là sẽ không dễ vượt qua được 15 năm giảm phát. “Đây là dự án lịch sử. Chúng ta sẽ tập trung vào điều đó. Chúng ta sẽ không thể thúc đẩy cơ sở tài chính cho an sinh xã hội mà không có một nền kinh tế vững mạnh”, Thủ tướng Abe nói. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng xác định những khó khăn mà ông sẽ đối đầu. Trong khi đó, theo người đứng đầu Viện châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo, ông Jeff Kingston, tuần trăng mật của ông Abe đã qua.

Thủ tướng Abe sẽ đến Philippines

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đến thủ đô Manila của Philippines trong tuần này. Chuyến công du diễn ra ngay sau khi LDP của ông Abe giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện.

Hãng Philippine Daily Inquirer ngày 22-7 cho biết, trong chuyến thăm Manila 2 ngày (26 và 27-7), Thủ tướng Abe sẽ gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Benigno Aquino III để bàn thảo các vấn đề khu vực và hợp tác song phương, thúc đẩy đối tác chiến lược giữa Philippines và Nhật Bản. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng xác nhận điều này với Philippine Daily Inquirer.

Lần này, ông Abe đến Philippines trong lúc cả Tokyo lẫn Manila đều đang đối mặt với các thách thức chung trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông và Biển Đông với Trung Quốc. Về kinh tế, Nhật Bản là một trong hai đối tác chiến lược của Philippines (cùng với Mỹ).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.