.

Hòa bình Trung Đông vẫn nan giải

.

Đàm phán giữa Israel và Palestine diễn ra vào tối 29-7, kéo sang ngày 30-7, tại Washington trong lúc vẫn tồn tại sự chia rẽ sâu sắc.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và tân đặc sứ Martin Indyk nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết xung đột giữa Israel với Palestine.                           Ảnh: THX
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và tân đặc sứ Martin Indyk nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết xung đột giữa Israel với Palestine. Ảnh: THX

Cuối cùng thì đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, đàm phán lần đầu tiên sau 3 năm bế tắc, cũng diễn ra đúng mong đợi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đã liên tiếp thực hiện những chuyến ngoại giao con thoi để thúc giục hai bên tạm gạt bỏ bất đồng. Với ông Kerry, việc Tel Aviv và Palestine chịu ngồi vào bàn thương lượng chấm dứt xung đột là bước tiến lớn. Để thúc đẩy đàm phán thành công, ông Kerry bổ nhiệm ông Martin Indy - từng là đại sứ Mỹ tại Israel - làm đại sứ đặc biệt để dẫn dắt các cuộc bàn thảo giữa Israel với Palestine. Ông Indy từng đóng vai trò quan trọng trong Bộ Ngoại giao Mỹ do bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng với những nỗ lực kiến tạo hòa bình giữa Israel - Syria và Israel - Palestine nhưng không thành công.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington khi bổ nhiệm ông Indy, Ngoại trưởng Kerry xác nhận để đạt được cái bắt tay thật sự giữa Israel và Palestine là một tiến trình rất đỗi khó khăn. Gần 6 tháng kể từ lúc trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Kerry đã đến Trung Đông 6 lần để thúc giục Israel và Palestine có “những thỏa hiệp phù hợp”.  

Hãng Reuters dẫn những thông tin cho rằng, có những bất đồng lớn xung quanh các vấn đề về biên giới và an ninh giữa Israel với Palestine. Vì vậy, chưa rõ đàm phán sẽ kéo dài bao lâu, nhưng dự kiến diễn ra trong 9 tháng. Các vấn đề lớn được đặt ra trong đàm phán gồm: biên giới, tương lai của các khu tái định cư Do Thái ở Bờ Tây, số phận những người tị nạn Palestine…

Đại diện phía Israel là Bộ trưởng Tư pháp Tzipi Livni và Yitzhak Molcho, trợ lý thân cận của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Và đại diện phía Palestine là trưởng đoàn đàm phán Saeb Erekat và Mohammed Ishtyeh, trợ lý của Tổng thống Mahmoud Abbas. Mỗi bên đều có cuộc gặp riêng rẽ với Ngoại trưởng Kerry khoảng 45 phút.

Các nhà phân tích về Trung Đông ca ngợi nỗ lực của ông John Kerry nhưng nhấn mạnh về những khó khăn phía trước. Chuyên gia Rob Danin của Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng, Tổng thống Abbas và Thủ tướng Netanyahu có thể gặp trở ngại lớn khi thuyết phục để đạt được những thỏa hiệp cần thiết cho hòa bình. Theo chuyên gia Danin, việc nối lại đàm phán lần này vốn không làm hài lòng một số người ủng hộ ông Abbas thuộc phong trào Fatah - lực lượng nắm quyền ở Bờ Tây. Còn với ông Netanyahu, tình hình cũng không suôn sẻ, bởi một số đối tác trong liên minh của ông phản đối việc hình thành Nhà nước Palestine. Năm ngoái, Đại hội đồng LHQ đã công nhận Nhà nước Palestine ở Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem. Động thái này được xem là có thể dẫn đến khiếu kiện của Palestine về vấn đề tái định cư Do Thái lên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC).

Mỹ muốn tìm kiếm một thỏa thuận về “giải pháp hai Nhà nước”, theo đó Israel sẽ tồn tại hòa bình cùng với một Nhà nước Palestine mới được hình thành ở Bờ Tây và Dải Gaza - những vùng đất bị Tel Aviv chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967. Kể từ cuộc chiến tranh đó, Chính phủ Tel Aviv đã cho xây dựng hàng chục khu tái định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem - nơi hiện là nhà của hơn 500.000 người Israel. Vì vậy, theo các nhà quan sát, giải quyết vấn đề vốn là nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn sâu sắc giữa Israel với Palestine sẽ là điều không dễ.  

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.