.

Lịch sử lặp lại ở Ai Cập

.

Với Ai Cập, lịch sử lặp lại khi “cuộc cách mạng thứ hai” đã lật đổ Tổng thống Mohammed Mursi vào ngày 3-7 (giờ địa phương, sáng 4-7, giờ Việt Nam), tương tự trường hợp của người tiền nhiệm Hosni Mubarak. Thời gian nắm quyền của ông Mursi chỉ vỏn vẹn một năm.

Những người biểu tình phản đối ông Mursi reo hò ở Quảng trường Tahrir, Cairo.  Ảnh: Reuters
Những người biểu tình phản đối ông Mursi reo hò ở Quảng trường Tahrir, Cairo. Ảnh: Reuters

Quân đội cùng phe đối lập ở Ai Cập gọi việc lật đổ Tổng thống Mursi và Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo là “khoảnh khắc lịch sử” sau nhiều ngày những người biểu tình tràn xuống đường phố đòi người nắm quyền từ tháng 6 năm ngoái và vốn được thừa hưởng nền giáo dục của phương Tây từ nhiệm. Ông Mursi là Tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ bị lật đổ và quân đội cáo buộc ông đã không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Hãng Reuters cho rằng, quân đội phế truất được ông nhờ sự hậu thuẫn của hàng triệu người Ai Cập, trong đó có các lãnh đạo tự do, các nhân vật tôn giáo - những người vốn mong đợi một cuộc bầu cử mới. “Triều đại Mursi” đã chấm dứt và Ai Cập đang bước vào “một trật tự mới”.

Cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Mursi trong những ngày qua còn lớn hơn phong trào Mùa xuân Arab diễn ra ở Ai Cập nhằm chống lại ông Mubarak hồi tháng 1-2011. Sau thời đại Mubarak, người dân Ai Cập những tưởng trải qua tháng ngày yên bình hơn thì lại chứng kiến bạo động do bất bình về cách điều hành của ông Mursi. Làn sóng tức giận đã lan rộng khi ông Mursi không những trao cho Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo quá nhiều quyền lực mà còn không đối phó được với các vấn đề kinh tế của đất nước.

Ông Mursi, 300 lãnh đạo cùng thành viên Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã bị bắt giữ và quản thúc ở Cairo. Thông tin này được Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh lực lượng vũ trang Abdel Fattah al-Sisi công bố trên Đài truyền hình Ai Cập. Tướng Sisi (58 tuổi) - “người hùng” trong sứ mệnh phế truất ông Mursi - còn đề cập lộ trình chuyển đổi chính trị, bao gồm việc “đóng băng” Hiến pháp do phe Hồi giáo soạn thảo và sớm tổ chức bầu cử Tổng thống. Người đứng đầu Tòa án Hiến pháp Tối cao, ông Adly Mansour, được chọn làm lãnh đạo lâm thời của Ai Cập, tuyên thệ nhậm chức cũng trong ngày 4-7. Lãnh đạo phe đối lập Amr Moussa nói với AFP rằng, việc tham vấn để thành lập Chính phủ mới và tiến trình hòa giải dân tộc “sẽ được bắt đầu ngay bây giờ”.

“Triều đại Mursi” đã kết thúc. Trong ảnh: Ông Mursi trong chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Cairo năm 2012.      Ảnh: AP
“Triều đại Mursi” đã kết thúc. Trong ảnh: Ông Mursi trong chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Cairo năm 2012. Ảnh: AP

Hàng triệu người biểu tình chống lại Tổng thống Mursi trên khắp đất nước hò reo, nhảy múa chào đón một sự kiện quan trọng của đất nước. Song, những người ủng hộ ông phản ứng tức giận. Việc ông Mursi bị lật đổ cũng để lại hàng loạt câu hỏi chưa được giải đáp. Chẳng hạn như, điều gì sẽ xảy đến đối với ông và những người ủng hộ? Tình trạng bất ổn và chia rẽ sâu sắc ở quốc gia có 84 triệu dân sẽ chấm dứt hay tiếp diễn?...

LHQ, Mỹ và các cường quốc khác không chỉ trích việc quân đội lật đổ Tổng thống Ai Cập là hành động đảo chính nhưng thận trọng trong việc bày tỏ lo ngại. Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi quân đội của Cairo nhanh chóng sớm phục hồi chính quyền dân sự do dân bầu. Washington ra lệnh sơ tán hết các nhân viên ngoại giao ở Đại sứ quán và đang xem xét lại các khoản viện trợ trị giá 1,5 tỷ USD/năm cho quân đội và các hỗ trợ về kinh tế cho Cairo. “Mỹ tin rằng nền tảng tốt nhất cho sự ổn định lâu dài tại Ai Cập là một trật tự chính trị dân chủ, có sự tham gia của mọi đảng phái”, ông Obama nhấn mạnh. Liên minh châu Âu (EU) cũng thúc giục quân đội Ai Cập nhanh chóng phục hồi chế độ dân chủ tại nước này.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon nói rằng, ông hiểu rõ sự thất vọng của người dân Ai Cập nhưng sự can thiệp quân sự vào các vấn đề Nhà nước là mối lo ngại lớn. Ông Ban Ki-moon cũng kêu gọi sự điềm tĩnh và kiềm chế để bảo đảm xung đột không diễn ra. Chính các cuộc biểu tình vào cuối tuần qua đã dẫn đến sự can thiệp của quân đội, được gọi là Phong trào Tamarod, nhằm phản ứng với tình trạng tồi tệ về kinh tế và xã hội của đất nước.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.