.

Lo sợ rò rỉ thông tin, an ninh Nga dùng máy đánh chữ

.

Một nguồn tin tại Cơ quan Cận vệ Liên bang Nga (FSO) - chuyên bảo vệ Tổng thống Putin và liên lạc của điện Kremlin - cho biết động thái này bắt nguồn từ thực tế trang tin WikiLeaks đã phát hành nhiều tài liệu mật, còn cựu nhân viên CIA Edward Snowden thì tiết lộ hàng loạt thông tin động trời về mạng lưới giám sát mật của tình báo Mỹ.

FSO đang xem xét chi 486.000 rouble (tương đương khoảng 10.000 bảng Anh) để mua một lượng máy đánh chữ điện, theo trang web của 1 cơ quan nhà nước tại địa chỉ zakupki.gov.ru. Thông báo trên trang web này cho hay khoản mua bán này bao gồm cả các “dải tẩm mực” dành cho các máy đánh chữ hiệu Triumph Adlew TWEN 180 do Đức sản xuất.

Cơ quan FSO đã từ chối bình luận về thông báo này được đưa lên mạng vào tuần trước.

Tuy nhiên 1 nguồn tin của FSO nói với báo Izvestiya: “FSO quyết định mở rộng việc sử dụng tài liệu giấy sau khi có hàng loạt tài liệu mật bị rò rỉ cho biết Thủ tướng Dmitry Medvedev từng bị nghe lén trong chuyến thăm London để dự hội nghị thượng đỉnh G20”.

Không giống như máy in, mỗi máy đánh chữ đều có kiểu chữ riêng nên có thể xác định tài liệu nào là do máy nào tạo ra.

Chiếc máy đánh chữ do Đức sản xuất này từng rất phổ biến hồi cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước (ảnh: Telegraph)
Chiếc máy đánh chữ do Đức sản xuất này từng rất phổ biến hồi cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Ảnh: Telegraph

Nguồn tin trên cho biết thêm: “Thực tế này (tức việc sử dụng máy chữ) tồn tại trong Bộ Quốc phòng, Bộ Tình trạng Khẩn cấp, và các cơ quan đặc biệt.”

Một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng thì khẳng định, các chỉ thị gửi tới Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng Tư lệnh Tối cao (tức ông Putin) hiện vẫn được in trên giấy.

Theo các tài liệu bị Snowden tiết lộ, nước Anh theo dõi các đại biểu nước ngoài, bao gồm ông Medvedev hồi làm Tổng thống, tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại London.

Nga rất tức giận về các tiết lộ trên nhưng tuyên bố mình đủ phương tiện để tự bảo vệ.

Nikolai Kovalev, cựu giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga, nói với tờ Izvestiya: “Từ góc độ an ninh, bất kỳ phương tiện liên lạc điện tử nào cũng có lỗ hổng. Bạn có thể lấy bất cứ thông tin nào từ 1 máy tính. Dĩ nhiên có biện pháp phòng về, nhưng không gì bảo đảm chắc chắn 100%. Do đó từ giác độ bảo vệ bí mật thì các phương pháp thô sơ nhất được ưa thích hơn cả - đó là bút viết tay và máy đánh chữ.”

Tuy nhiên, một chuyên gia khác lại cho rằng tài liệu giấy vẫn không đáng tin cậy vì chúng có thể bị đánh cắp hoặc chụp ảnh, hay biến thành mây khói nếu xảy ra hỏa hoạn.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.