.

Mỹ kêu gọi trả tự do cho ông Morsi

.

Mỹ kêu gọi quân đội Ai Cập trả tự do cho Tổng thống vừa bị lật đổ, ông Mohammed Morsi, trong lúc biểu tình tiếp diễn vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng Ramadan.

Trước đó, Washington vẫn tránh kêu gọi một cách công khai việc trả tự do cho ông Mohammed Morsi, đồng thời chỉ dừng lại ở việc thúc giục quân đội Ai Cập ngưng các cuộc bắt bớ tùy tiện mà không nhắc đến vị Tổng thống vừa bị lật đổ.

Tuy nhiên, sau khi Đức kêu gọi trả tự do cho ông Morsi, áp lực đã dồn về phía Mỹ.

Hàng chục người ủng hộ ông Morsi đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội vào thứ Hai, 8/7.
Hàng chục người ủng hộ ông Morsi đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội hôm 8-7.

Vào sớm thứ Sáu (12-7), Bộ trưởng Ngoại giao Đức đã thúc giục chính quyền Ai Cập chấm dứt việc giam lỏng ông Morsi, đồng thời cho phép một tổ chức quốc tế, ví dụ như Hội Chữ thập đỏ, được tiếp cận ông này.

Khi được hỏi về quan điểm trước yêu cầu trả tự do cho ông Morsi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Jen Psaki trả lời với phóng viên: "Chúng tôi đồng ý."

Vào thứ Năm, 11-7, Washington đã kêu gọi giới lãnh đạo Ai Cập ngưng bắt bớ "tùy tiện" những thành viên của đảng Huynh đệ Hồi giáo, đồng thời cảnh báo những hành động nhằm vào bất kỳ một nhóm cụ thể nào.

Tổng thống Hồi giáo Morsi, người bị lật đổ tháng trước sau quyết định can thiệp của quân đội, vẫn bị giam giữ tại một địa điểm "an toàn", nhưng không được công bố.

Hàng chục người đã thiệt mạng vì các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ và chống đối ông Morsi.

Hàng chục nghìn người ủng hộ ông Morsi đã tập trung ở phía Đông thủ đô Cairo vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng Ramadan, 12-7, yêu cầu trả lại quyền lực cho ông này.

Những người chống đối ông Morsi, vốn đã tiến hành các cuộc biểu tình khiến ông này bị truất quyền bởi quân đội vào tuần trước, cũng đã tụ tập ở Quảng trường Tahrir, nhưng với số lượng nhỏ hơn.

Mặc dù đảng Huynh đệ Hồi giáo của ông Morsi đã từng phân biệt đối xử với người dân khi cầm quyền, nhiều người Ai Cập cũng không hài lòng trước sự can thiệp của quân đội, giới phân tích cho biết, và những gì đang xảy ra là trận chiến để giành sự ủng hộ của dư luận.

Mỹ vẫn chưa cho biết việc giao hàng bốn chiếc F-16 có tiếp tục được tiến hành sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ hay không. Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng, ông Jay Carney, nói Mỹ không nghĩ rằng nước này nên cắt viện trợ cho Ai Cập ngay lập tức.

Theo BBC

;
.
.
.
.
.