Bầu cử Quốc hội Campuchia vào ngày 28-7 được kỳ vọng trao cho ông Hun Sen thêm một nhiệm kỳ 5 năm, đánh dấu ông là Thủ tướng nắm quyền lâu năm nhất ở châu Á kể từ lần đầu được bổ nhiệm vào năm 1985.
Thủ tướng Hun Sen đi bỏ phiếu tại tỉnh Kandal. Ảnh: Reuters |
Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia cho biết, khoảng 9,67 triệu cử tri tham gia bỏ phiếu tại 19.000 điểm bầu cử trên cả nước, với sự giám sát của hơn 40.400 quan sát viên, trong đó có 266 quan sát viên quốc tế. Thủ tướng đương nhiệm Hun Sen cùng vợ, bà Bun Rany đi bỏ phiếu ở tỉnh Kandal.
Chiến thắng của đảng cầm quyền (CPP) với 68/123 ghế (theo kết quả sơ bộ công bố vào tối cùng ngày) được dự báo trước và cũng minh chứng nguyện vọng của người dân Campuchia về việc duy trì sự ổn định, hòa bình. Song, cuộc tổng tuyển cử lần thứ 5 diễn ra đầy gay cấn với sự cạnh tranh giữa CPP và đảng đối lập khi có sự trở về của thủ lĩnh chính trị lưu vong - cựu Bộ trưởng Tài chính Sam Rainsy hồi đầu tháng này. Cuối cùng thì CPP vẫn khẳng định được vị thế của mình trong “cuộc đua tam mã” (với Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập do ông Sam Rainsy đứng đầu và Đảng Bảo hoàng FUNCINPEC do Công chúa Norodom Arun Rasmey - con gái út của cố Quốc vương Norodom Sihanouk - làm Chủ tịch), để bầu 123 nghị sĩ. Trước bầu cử, CPP đã có 90 ghế trong Quốc hội sắp mãn nhiệm, trong khi CNRP chỉ có 29 ghế.
CNRP cũng tuyên bố chiến thắng nhưng ngay sau đó, một thành viên cấp cao của CPP bác bỏ điều này. Kết quả sơ bộ cho thấy CNRP giành được khoảng 50 ghế.
Sau gần 4 năm sống lưu vong ở Pháp, thủ lĩnh đối lập Sam Rainsy trở về nước cùng những phát biểu mang tính khiêu khích, làm dấy lên những đồn đoán trên chính trường Campuchia. Tuy nhiên, Sam Rainsy không được tranh cử với tư cách là ứng viên bởi ông trở về khi thời hạn đăng ký cử tri và ứng cử viên đã hết. Ông Sam Rainsy đã chỉ trích điều này: “Nếu Thủ tướng muốn giữ vị trí của mình thì phải dũng cảm đối đầu với tôi”. Ông cùng CNRP còn cáo buộc có gian lận trong bầu cử và cảnh báo chiến thắng của Thủ tướng Hun Sen không giá trị khi không có sự tham gia của ông. Với người đứng đầu Chính phủ Campuchia, việc ân xá cho ông Sam Rainsy là động thái chứng minh bầu cử diễn ra tự do và công bằng.
Theo Reuters, năm 2009, ông Sam Rainsy bỏ trốn khỏi Campuchia. Một năm sau đó, ông bị tòa án Phnom Penh tuyên án 11 năm tù vì hai tội danh: hủy hoại tài sản Nhà nước khi nhổ bỏ cọc tiêu định vị phục vụ việc phân giới cắm mốc ở biên giới Campuchia - Việt Nam và ngụy tạo tài liệu. Theo đề nghị của Thủ tướng Hun Sen, Quốc vương Norodom Sihamoni đã ra lệnh ân xá cho Sam Rainsy để ông này được trở về nước.
Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Hun Sen, người đã nắm quyền suốt 28 năm qua, từ một đất nước bị tàn phá thời Khmer Đỏ, Campuchia trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Song, ở quốc gia có 14 triệu dân này, khoảng 1/3 số người dân hiện sống dưới 65 xu Mỹ/ngày. Ông Hun Sen cam kết làm Thủ tướng ít nhất một thập niên nữa với thông điệp sẽ nỗ lực cải thiện đời sống của người dân; tiếp tục giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng dựa trên hiến pháp, luật pháp quốc gia, quốc tế, các hiến chương quốc tế nhằm bảo đảm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ Campuchia.
THIÊN BÌNH