Cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden đã rút đơn xin tị nạn ở Nga và chưa rõ điểm đến tiếp theo của anh nếu rời Mátxcơva.
Những người ủng hộ Edward Snowden ở Hong Kong kêu gọi phải bảo vệ anh. Ảnh: Reuters |
Câu chuyện về Snowden là một trong những nội dung chính của cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ở Brunei ngày 2-7. Chưa rõ ông Kerry và ông Lavrov thảo luận vấn đề gì liên quan đến Snowden, nhưng việc “kẻ tội đồ” của Mỹ hiện diện ở Nga làm dấy lên căng thẳng giữa hai cường quốc này.
Tờ The Christian Science Monitor cho rằng, số phận của “người thổi còi” - người tiết lộ chương trình giám sát trên Internet và điện thoại của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) phụ thuộc vào đàm phán giữa Washington với Mátxcơva. Trong lúc này, Snowden vẫn được cho là đang ở sân bay quốc tế Sheremetyevo của Mátxcơva (Nga) để tìm kiếm tị nạn tại Ecuador hoặc một nước khác, sau khi anh rời Hong Kong vào ngày 23-6. Song, theo Hãng Itar-Tass, cuộc nói chuyện hơn 90 phút của ông Kerry và người đồng cấp Nga bên lề Hội nghị an ninh châu Á không bàn thảo về Snowden.
Hãng Reuters cho biết, Snowden đã rút đơn xin tị nạn chính trị tại Nga ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố anh có thể ở lại nước này nhưng cần “ngừng làm tổn hại đối tác Mỹ của chúng tôi”. Song, ông Putin nói rằng, Nga sẵn sàng cho Snowden nơi ẩn náu khi anh ngừng tiết lộ các bí mật của Mỹ. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng khẳng định không dự kiến trao trả “người thổi còi” cho Washington. Điều kiện trên được ông Putin đặt ra sau khi Snowden lần đầu tiên lên tiếng kể từ khi xảy ra vụ “rò rỉ” của NSA. Anh dọa sẽ tiếp tục công bố các bí mật, đồng thời cáo buộc Tổng thống Mỹ Barack Obama đang gây áp lực cho các nhà lãnh đạo ở những nước mà anh xin tị nạn. “Sống thêm ngày nào thì tôi vẫn hết lòng đấu tranh vì công lý trong thế giới bất bình đẳng này”, Snowden nói.
Trang mạng WikiLeaks cho hay, Snowden đã viết đơn xin tị nạn chính trị ở 21 quốc gia, trong đó có Bolivia, Brazil, Trung Quốc, Cuba, Ecuador, Pháp, Iceland, Ấn Độ, Ý, Ireland, Hà Lan, Nicaragua, Tây Ban Nha, Venezuela… Song, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 2-7 ở Mátxcơva nói rằng, Caracas không hề nhận được đơn xin tị nạn của cựu nhân viên CIA. Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng khẳng định Paris không nhận được đề nghị tị nạn và kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) có quan điểm chung đối với chương trình nghe lén của NSA. Pháp thường tự cho nước này là “thiên đường” của các tù nhân chính trị và đề nghị tị nạn cho nhiều người hơn bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ Mỹ. Tuy nhiên, Paris có thể không hành động như vậy với Snowden bởi Điện Elysée xem Mỹ là đồng minh then chốt. Riêng Ba Lan và Đức bác bỏ việc cho Snowden tị nạn với lý do rằng, anh không đáp ứng các yêu cầu của hai nước này. Còn câu trả lời của Ireland, Áo, Na Uy, Phần Lan, Thụy Sĩ thì lấp lửng…
Trong lúc đó, với Ecuador, sau những cam kết ủng hộ ban đầu, giờ đây Tổng thống Rafael Correa “lật kèo” khi cho rằng, giấy thông hành cấp cho Snowden “không đúng thẩm quyền”. Thay vào đó, ông Correa đá “quả bóng” về phía Nga với tuyên bố “người thổi còi” là vấn đề của Mátxcơva. “Nếu anh ấy (Snowden) có thể hoàn thành đề nghị tị nạn trên lãnh thổ Nga thì tình huống có thể được xử lý và giải quyết ở đó”, ông Correa nói. Các nhà quan sát nhận định: Cuộc điện đàm với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể đã làm Tổng thống Correa thay đổi quan điểm.
Với những diễn biến như vậy, Snowden sẽ phải lưu lại sân bay Sheremetyevo một thời gian dài và điểm đến tiếp theo của anh vẫn là điều bí ẩn.
PHÚC NGUYÊN