.

Nhiệm vụ khó khăn của Thủ tướng Ai Cập

.

Tân Thủ tướng Ai Cập Hazem el-Beblawi bắt đầu thành lập nội các. Trước mắt ông là nhiệm vụ khó khăn khi điều hành một đất nước đang chia rẽ sâu sắc.

Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi tổ chức tang lễ cho các nạn nhân thiệt mạng.                                                                                                                             Ảnh: CNN
Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi tổ chức tang lễ cho các nạn nhân thiệt mạng. Ảnh: CNN

Ông Beblawi là chuyên gia kinh tế nổi bật và là cựu Bộ trưởng Tài chính. Vừa đảm nhận chức Thủ tướng lâm thời, ngày 10-7, ông gặp gỡ các lãnh đạo tự do Mohamed ElBaradei và Ziad Bahaa-Eldin. Ông ElBaradei - người từng đoạt giải Nobel hòa bình và từng là Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) - được bầu làm Phó Tổng thống, nhưng lại không nhận được sự ủng hộ của Đảng Nour, lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập, để trở thành Thủ tướng.

Dự kiến một số vị trí trong nội các sẽ được trao cho Đảng Tự do và Công lý (FJP) - đảng phe cánh của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và Đảng Nour. Tuy nhiên, sự tham gia của họ không làm hài lòng tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bởi lực lượng này tuyên bố “tẩy chay” Chính phủ của ông Beblawi.

Tân Thủ tướng Beblawi cho hay, để có được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân Ai Cập đối với nội các mới là điều khó khăn. Điều khó khăn hơn nữa trong lúc này là từ ngày 10-7, Cairo bước vào tháng Ramadan thì chưa rõ diễn biến trên đường phố sẽ như thế nào. Tổng thống lâm thời Adly Mansour kêu gọi tiến trình hòa giải với khẩu hiệu “Một dân tộc” kể từ tháng Ramadan này, đồng thời thúc giục các đảng, các phong trào tổ chức đối thoại. Song, theo AP, không có dấu hiệu nào cho thấy tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và các đảng đồng minh sẽ tham dự những cuộc gặp gỡ như thế. Trong diễn biến mới nhất, Văn phòng công bố của Ai Cập đã ra lệnh bắt giữ lãnh đạo tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, ông Mohammed Badie, với cáo buộc kích động bạo lực ở Cairo vào cuối tuần qua làm 51 người thiệt mạng. Ngoài ông Badie, một số nhân vật cấp cao của tổ chức Huynh đệ Hồi giáo hiện bị giam giữ và lệnh bắt được cho là có thể dành cho hàng trăm người.

Với tân Thủ tướng 76 tuổi, ngày đầu trên cương bị mới, ông nhận được cam kết viện trợ 8 tỷ USD từ các đồng minh giàu có ở vùng vịnh Arab nhằm giúp Ai Cập bình ổn đất nước sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohammed Mursi. Hãng AP cho biết, các nhà lãnh đạo lâm thời đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển giao quyền lực - một kế hoạch vốn bị tổ chức Huynh đệ Hồi giáo bác bỏ và cam kết tiếp tục biểu tình cho đến khi ông Mursi - Tổng thống đầu tiên của Ai Cập được bầu dân chủ - trở lại nắm quyền.

Theo các nhà quan sát, việc bổ nhiệm ông Beblawi làm Thủ tướng và công bố lịch trình bầu cử Quốc hội, bầu cử Tổng thống minh chứng quyết tâm của quân đội Ai Cập trong cuộc đối đầu với phe đối lập Hồi giáo.

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hoan nghênh các nhà lãnh đạo mới của Ai Cập. Con số 8 tỷ USD viện trợ đầu tiên cho một đất nước thời hậu Mursi chính là do Saudi Arabia và UAE cung cấp theo hình thức các khoản tài trợ, cho vay… Đến nay, chưa có thông tin gì về việc Mỹ ngừng viện trợ cho Cairo.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.