.

Ông Kerry trở lại Trung Đông

.

Trong chuyến công cán Trung Đông lần thứ 6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục nỗ lực làm sống lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine vốn bị bế tắc từ năm 2010.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) cùng người đồng cấp Jordan Nasser Judeh (phải) đến tham dự cuộc họp với Liên đoàn Arab tại thành phố Amman của Jordan ngày 17-7.  							   Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa) cùng người đồng cấp Jordan Nasser Judeh (phải) đến tham dự cuộc họp với Liên đoàn Arab tại thành phố Amman của Jordan ngày 17-7. Ảnh: AP

Ngày 17-7, Ngoại trưởng John Kerry có cuộc gặp gỡ với những người đồng cấp thuộc Liên đoàn Arab tại thành phố Amman của Jordan và Quốc vương nước chủ nhà Abdullah. Ông Kerry từng gặp đại diện của các nước Arab vào ngày 29-4 vừa qua, bao gồm: Bahrain, Ai Cập, Jordan, Lebanon, Qatar và Saudi Arabia. Với các quốc gia ủng hộ sáng kiến hòa bình Trung Đông này, Ngoại trưởng Kerry muốn tìm kiếm sự bảo đảm cho một tiến trình hòa bình mới.

Một số nhà quan sát bày tỏ sự kỳ vọng vào chuyến công cán Trung Đông lần thứ 6 của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong khi đó, theo Reuters, các nhà ngoại giao và phân tích về vấn đề Trung Đông lại hoài nghi sâu sắc đối với khả năng Israel cùng Palestine ngồi vào bàn nghị sự. Tuy nhiên, nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đề cập các cơ hội hòa bình ở Trung Đông và cho rằng, ông Kerry sẽ không trở lại khu vực “chảo lửa” này nếu không cảm thấy có cơ hội thúc đẩy đàm phán. Bà Psaki từ chối bình luận về việc ông Kerry có gặp gỡ các quan chức Palestine và Israel hay không, ngoài việc ăn tối với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Amman; đồng thời bà không bình luận gì về những đồn đoán rằng, các cuộc đàm phán hòa bình sụp đổ vào năm 2010 có thể được nối lại.

Hãng AP cho biết, trong bữa ăn tối 16-7, Tổng thống Abbas với Ngoại trưởng Kerry bàn thảo về tiến trình hòa bình giữa Israel với Palestine, những biến động gần đây ở Trung Đông, các dự án nhằm thúc đẩy nền kinh tế của Palestine bằng cách thu hút đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Không có thông tin thêm về cuộc gặp gỡ này. AP cũng xác nhận rằng, không rõ ông Kerry có gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hay bất kỳ quan chức cấp cao nào khác của Chính phủ Tel Aviv. Theo tờ New York Times, ông Kerry không có kế hoạch đến Israel trước khi trở về Washington vào ngày 18-7.

Từng đến Trung Đông trong chuyến ngoại giao con thoi hồi tháng 6 vừa qua, ông Kerry đã ra về “tay trắng” do không thuyết phục được Israel và Palestine. Một quan chức Palestine nói với AFP rằng, lần này, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ quyết tâm có được cái bắt tay của Israel và Palestine trước khi ông rời khỏi khu vực luôn “nóng” với các bất đồng, xung đột.

Đàm phán giữa Israel với Palestine bị bế tắc do tranh cãi xung quanh việc Tel Aviv xây dựng các khu tái định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, trong khi Palestine muốn trở thành một Nhà nước độc lập. Tổng thống Abbas nói rằng, để nối lại đàm phán, Thủ tướng Israel Netanyahu phải ngừng việc xây dựng các khu tái định cư và công nhận ranh giới của Bờ Tây như trước khi bị Tel Aviv chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông. Tuy nhiên, Chính phủ của ông Netanyahu muốn đàm phán vô điều kiện.

Trong lúc này vẫn chưa có những tín hiệu vui về triển vọng đàm phán, nhất là khi Israel lại phản ứng tức giận xung quanh các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) cấm 28 thành viên của khối đầu tư vào các dự án tại khu tái định cư Do Thái. Các quan chức Israel chỉ trích động thái của EU và cho rằng, điều này tạo ra rào cản đối với những nỗ lực ngoại giao của ông Kerry.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.