.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Bấp bênh tương lai Ai Cập

.

Cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohammed Mursi đang đặt Ai Cập vào tình thế bấp bênh khi đất nước đứng trước sự chia rẽ và bạo lực vẫn tiếp diễn.

Những người ủng hộ ông Mohammed Mursi vẫn biểu tình trên đường phố.         Ảnh: AP
Những người ủng hộ ông Mohammed Mursi vẫn biểu tình trên đường phố. Ảnh: AP

Cả những người ủng hộ lẫn những người phản đối ông Mursi vẫn tiếp tục xuống đường. Bạo lực, xung đột.., tất cả vẫn diễn ra lộn xộn trong khoảng thời gian cuối “triều đại Mursi”. Ai Cập đã và đang trải qua những ngày đẫm máu nhất với ít nhất 36 người chết, hơn 1.000 người khác bị thương - một bức tranh ảm đạm của quốc gia đông dân nhất thế giới Arab. Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo thề “tẩy chay” các tiến trình chính trị, kêu gọi một ngày biểu tình khác và cho rằng, ông Mursi sẽ sớm được khôi phục quyền lực. Không những thế, ngày 7-7, một nhóm phiến quân đánh bom hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại tỉnh Bắc Sinai của Ai Cập vốn cung cấp cho Jordan. Tất cả những điều này minh chứng sự yên ắng trong vài tiếng đồng hồ vào cuối tuần qua chỉ là những khoảnh khắc tạm thời và chưa rõ điều gì sẽ xảy đến với đất nước Ai Cập khi có hai Tổng thống bị lật đổ chỉ trong vòng hai năm rưỡi (trước đó, ông Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng 1-2011 trong cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab”).

Đảng Nour, lực lượng Hồi giáo lớn thứ hai ở Ai Cập (sau Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo), phản đối quyết định bổ nhiệm ông Mohamed El Baradei, người từng đoạt giải Nobel Hòa bình và từng là Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), làm Thủ tướng. Song, đảng này vẫn ủng hộ kế hoạch chuyển giao quyền lực để dẫn đến các cuộc bầu cử mới, nhưng kiên quyết không ủng hộ ông El Baradei. Như vậy, dù quân đội đóng vai trò lớn trong cuộc đảo chính lần này nhưng sẽ không dễ hàn gắn sự rạn nứt giữa những người bảo thủ và ôn hòa, đồng thời thực hiện tiến trình hòa giải dân tộc. Kế hoạch chuyển giao quyền lực đang vấp phải trở ngại lớn.

Ông El Baradei (71 tuổi) hiện đứng đầu Mặt trận cứu quốc - liên minh các đảng tự do và cánh tả. Ông cùng các lãnh đạo khác của đảng này đã tham dự một cuộc họp do Tổng thống tạm quyền Adly Mansour triệu tập. Ahmed al-Muslimani, cố vấn của Tổng thống tạm quyền, khẳng định El Baradei là “sự lựa chọn logic” nhưng Chính phủ lâm thời vẫn không thể bảo vệ được “sự lựa chọn logic” đó mà lại ngừng công bố thông tin về Thủ tướng mới và chiếc ghế quyền lực đến nay vẫn bỏ trống. Ông El Baradei cũng từng là ứng viên Tổng thống và nay nếu ngồi vào vị trí đứng đầu Chính phủ, ông sẽ tập trung khôi phục nền kinh tế ốm yếu cũng như khôi phục hòa bình và an ninh cho Ai Cập.

Trong lúc đó, ông Mansour bắt đầu gỡ bỏ “di sản” của người tiền nhiệm bằng việc thay thế Giám đốc cơ quan tình báo và Chánh Văn phòng Tổng thống. Song, điều mà Ai Cập lo lắng trong lúc này là có thể mất khoản viện trợ hằng năm trị giá 1,5 tỷ USD của Mỹ. Washington đang kêu gọi xem xét lại viện trợ cho Cairo sau khi ông Mursi - một nhà lãnh đạo được bầu dân chủ - bị lật đổ.

Ai Cập đang đứng trước nhiều sức ép nhưng tương lai thì vẫn bấp bênh và mờ mịt.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.