.
THẾ GIỚI TUẦN QUA

Malala - biểu tượng của hy vọng

.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon gọi Malala Yusafsai là “biểu tượng của hy vọng” khi cô bé người Pakistan kêu gọi quyền được học tập của mọi trẻ em trên thế giới.

Malala Yousafzai trong trang phục khăn quấn màu hồng của cố Thủ tướng Pakistan phát biểu tại LHQ.  				         Ảnh: AP
Malala Yousafzai trong trang phục khăn quấn màu hồng của cố Thủ tướng Pakistan phát biểu tại LHQ. Ảnh: AP

Bài phát biểu của Malala trước LHQ ngày 12-7 thu hút sự chú ý của dư luận thế giới cũng như cộng đồng mạng. Và cô bé bị Taliban bắn trọng thương vào hồi đầu tháng 10-2012 trên đường đi học về đã có sinh nhật lần thứ 16 thật đáng nhớ khi đứng tại LHQ để kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cung cấp “giáo dục miễn phí, bắt buộc” cho mọi trẻ em. “Hãy để chúng tôi nhận sách và bút. Những vật này là vũ khí mạnh nhất của chúng tôi. Một đứa trẻ, một thầy giáo, một cuốn sách và một cây bút có thể thay đổi thế giới. Giáo dục là giải pháp duy nhất”, Malala nói.

Từng bị Taliban bắn ở thung lũng Swat của Pakistan vì đấu tranh đòi quyền cho các bé gái được đi học và phải sang Anh để điều trị, nay Malala đứng ở trụ sở của LHQ tại New York (Mỹ) trong trang phục khăn quấn màu hồng của cố Thủ tướng Pakistan bị ám sát năm 2007, bà Benazir Bhutto. Báo New York Times cho rằng, Malala chứng minh với cả thế giới rằng, em không đơn độc ở Pakistan trong cuộc đấu tranh giành quyền được học của trẻ em nữa, mà thông điệp của em đang được cả thế giới ủng hộ. Em đang nói tiếng nói “không cho bản thân, mà cho tất cả những bé gái và bé trai khác”, với mong mỏi các em có quyền được  sống trong hòa bình, quyền được bình đẳng, quyền được giáo dục…

Người ta không thấy ở Malala sự non nớt của tuổi 16, mà là hiện thân mới của bà Bhutto - người từng hai lần đắc cử Thủ tướng Pakistan vốn đặc biệt quan tâm đến các vấn đề xã hội, y tế liên quan đến phụ nữ, cũng như chống thái độ kỳ thị với phụ nữ. Malala nói rằng, em chịu ảnh hưởng từ những người như nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, anh hùng dân tộc của Ấn Độ Mohandas Gandhi và Mẹ Teresa.

Malala đến LHQ, mang theo đơn thỉnh cầu trình lên Tổng Thư ký LHQ có chữ ký của gần 4 triệu người đề nghị các nhà lãnh đạo thế giới dành tiền để đầu tư trường, lớp, giáo viên, sách vở, đồng thời chấm dứt tình trạng lạm dụng lao động, hôn nhân và buôn bán trẻ em.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon trong niềm xúc động đã gọi Malala là “biểu tượng của hy vọng”. Ông ca ngợi sự dũng cảm của cô bé khi đối mặt với Taliban trong cuộc đấu tranh ở Pakistan và nói rằng, Malala là mục tiêu tấn công chỉ vì em quyết tâm đi học. Theo ông, những kẻ cực đoan đã bộc lộ điều mà chúng sợ hãi nhất, đó là việc các bé gái được đến trường.

Nhưng với Malala, em không hề có thái độ căm phẫn những kẻ đã bắn mình, thậm chí còn mong muốn giáo dục phải được dành cho con trai, con gái của Taliban và tất cả những kẻ khủng bố, cực đoan. “Tôi không ghét Taliban, lực lượng đã bắn tôi. Ngay cả khi trong tay tôi có súng và Taliban đứng trước mặt tôi thì tôi cũng không nổ súng”, Malala phát biểu.

Báo cáo của UNESCO và tổ chức Cứu giúp trẻ em cho biết, trên thế giới có 57 triệu thiếu niên bỏ học vào năm 2011, giảm từ con số 60 triệu của năm 2008. Song, số trẻ em sống trong các khu vực xung đột tăng lên 28,5 triệu vào năm 2011 và trong đó hơn 1/2  là các bé gái. Một trong những mục tiêu chính của LHQ được đặt ra tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2000 là bảo đảm để mọi đứa trẻ đều được hưởng thụ giáo dục tiểu học vào cuối năm 2015. Ông Ban Ki-moon kêu gọi các nỗ lực để trong vòng 900 ngày tới sẽ đưa 57 triệu thiếu niên trở lại trường học, đồng thời cho rằng, các nước cần cùng nhau thay đổi một bức tranh và cùng nhau theo gương cô bé dũng cảm Malala. “Hãy đặt giáo dục lên hàng đầu”, ông Ban Ki-moon nói.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.