.
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

ASEAN giải quyết bằng đối thoại hòa bình

.

Malaysia nhấn mạnh: Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán hòa bình, dựa trên các nguyên tắc của luật quốc tế. 

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh gặp gỡ người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Hội nghị ASEAN - Mỹ ở Brunei.                        Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh gặp gỡ người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Hội nghị ASEAN - Mỹ ở Brunei. Ảnh: Reuters

Phát biểu của Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Anifah Aman được đưa ra tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) và Hội nghị các Ngoại trưởng Đông Á tại Brunei ngày 2-7. Hãng Barnama ngày 3-7 cho biết, ông Anifah đã đề nghị các nước tham gia ARF thúc đẩy hợp tác để tăng cường sự chuẩn bị và năng lực đối phó với các đe dọa về an ninh.

Theo các nhà phân tích, phát biểu của Malaysia cũng là quan điểm của các nước ASEAN khi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Các Ngoại trưởng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển; đánh giá cao vai trò và những đóng góp của ARF. Trung Quốc cuối tuần trước cũng bất ngờ đồng ý khởi động tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bên lề cuộc họp SOM ASEAN - Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới. Cũng có nhiều ý kiến nghi ngại về “sự xuống nước” của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi ông tuyên bố về việc khởi động tham vấn COC và cả những quan ngại rằng, cuộc tham vấn vào tháng 9 tới nếu diễn ra thì chưa hẳn có sự đột phá. Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn e ngại ký kết thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý với ASEAN để điều chỉnh hành động của các quốc gia trong vùng nước có tranh chấp. Bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, Giám đốc nhóm Khủng hoảng quốc tế khu vực Đông Bắc Á, cũng gọi đây là “sự phát triển tích cực” nhưng chỉ là bước đi đầu tiên và vẫn còn chặng đường dài trước khi COC được thực thi. Thái Lan cũng đánh giá động thái này rất quan trọng.

Là đồng minh của nhiều nước ASEAN, Mỹ cũng thúc giục sớm thiết lập COC để ngăn chặn xung đột có thể diễn ra. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tái khẳng định điều này tại Brunei. Ông nói rằng, Washington mong muốn COC nhanh chóng được ký kết.

Theo các nhà quan sát, cái được lớn nhất của các hội nghị tại Brunei là nước chủ nhà đã tạo nên không khí cởi mở hơn, khác với những gì diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia vào năm ngoái. Song, theo Reuters, quan hệ giữa Trung Quốc với Philippines vẫn không có sự đột phá. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario không dự định sẽ phát biểu khi đến Bandar Seri Begawan. Ông chỉ lắng nghe người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị về các vấn đề liên quan tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh. Nhưng rồi ông Del Rosario vẫn đưa tay và bác bỏ các cáo buộc của Trung Quốc.

Trung Quốc và Philippines vốn cáo buộc lẫn nhau vi phạm Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) - một thỏa thuận xây dựng niềm tin đã được ASEAN và Trung Quốc thông qua vào năm 2002. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines gia tăng từ năm ngoái, sau sự kiện bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham) vào cuối tháng 4-2012 và bùng phát trong năm nay.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 46 (AMM 46) và các hội nghị liên quan diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei từ ngày 30-6 đến 2-7 đã thành công tốt đẹp.

Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho biết, tham dự hội nghị, Việt Nam đã nhấn mạnh trong bối cảnh tình hình trên biển vẫn có nhiều diễn biến phức tạp, ASEAN và Trung Quốc hơn lúc nào hết cần hợp tác để bảo vệ hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cũng như sớm xây dựng COC như đã khẳng định trong Tuyên bố chung được thông qua tại Cấp cao ASEAN - Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm DOC; thực hiện các nguyên tắc kiềm chế, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982 của LHQ. “Chúng ta cũng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải tiến hành thảo luận chính thức, để sớm có được Bộ quy tắc COC, bảo đảm hiệu quả hòa bình và an ninh ở Biển Đông”, người đứng đầu Bộ Ngoại giao cho biết.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.