.

Trung Quốc, Triều Tiên duy trì quan hệ

.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều dự kiến đến thăm CHDCND Triều Tiên từ ngày 25-7 đến 28-7, trong lúc căng thẳng giữa hai quốc gia đồng minh này vẫn chưa được xoa dịu.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) đến thăm nhà máy tại khu phức hợp Ryongsong của CHDCND Triều Tiên ngày 29-6-2013.  			       Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (giữa) đến thăm nhà máy tại khu phức hợp Ryongsong của CHDCND Triều Tiên ngày 29-6-2013. Ảnh: Reuters

Các hãng tin của Trung Quốc cho biết, ông Lý Nguyên Triều sẽ tham dự các hoạt động kỷ niệm kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953. Phó Chủ tịch Lý Nguyên Triều cũng là lãnh đạo cấp cao nhất của Bắc Kinh đến Bình Nhưỡng kể từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền thay cha. Dự kiến ông Lý Nguyên Triều sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo trẻ của CHDCND Triều Tiên cùng các quan chức cấp cao khác.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là đồng minh thân thiết nhất của CHDCND Triều Tiên, có ảnh hưởng nhất đối với nước này. Tuy nhiên, quan hệ đồng minh truyền thống giữa hai nước bị phủ bóng bởi vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng hồi tháng 2 vừa qua. Bắc Kinh quan ngại các động thái của Bình Nhưỡng và ủng hộ giải pháp trừng phạt của LHQ, bao gồm cả việc cắt giao dịch với Ngân hàng Ngoại thương CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, phản ứng tức giận với các biện pháp cấm vận của LHQ và các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ với Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đã đe dọa tấn công Nhật Bản, Hàn Quốc và các mục tiêu quân sự của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bình Nhưỡng cũng bày tỏ sự thất vọng về Trung Quốc và từ chối các cuộc gặp gỡ cấp cao với “người khổng lồ” châu Á. Căng thẳng càng gia tăng sau khi một tàu cá Trung Quốc bị CHDCND Triều Tiên bắt giữ.

Theo AP, bất chấp những rạn nứt, việc duy trì quan hệ với CHDCND Triều Tiên vẫn là một trong những nội dung trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, mặc dù một số học giả hiện kêu gọi Bắc Kinh chấm dứt ủng hộ về kinh tế và ngoại giao đối với Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên sẽ được nối lại. Mỹ và các cường quốc liên quan muốn Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình để kêu gọi Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đối thoại. Từ khi Bình Nhưỡng rút khỏi đàm phán 6 bên hồi năm 2009, việc giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn là câu hỏi mà Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đều nóng lòng tìm câu đáp án.

Trong lúc đó, CHDCND Triều Tiên đang muốn “trải thảm” mời cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến nước này. Hãng Kyodo của Nhật Bản cho rằng, nếu chuyến đi diễn ra, ông Carter có thể thảo luận với các quan chức CHDCND Triều Tiên về viện trợ nhân đạo và các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, vấn đề phóng thích công dân Mỹ gốc Hàn Kenneth Bae - người bị Tòa án Trung ương Triều Tiên kết án 15 năm tù giam. Ngoài ra, ông Carter có thể sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Tuy nhiên, vẫn chưa có thông tin cụ thể, chính thức về chuyến thăm của cựu lãnh đạo đến từ bên kia đại dương.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Carter được mời đến CHDCND Triều Tiên. Năm 1994, ông lần đầu tiên đến Bình Nhưỡng và có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Đến năm 2010 và 2011, ông lại hiện diện ở Bình Nhưỡng.

Lần này, CHDCND Triều Tiên cũng chuyển lời mời đến cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari - người được trao giải Nobel Hòa bình năm 2008.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.