.

Ai Cập bên bờ vực thẳm

.

Trải qua 5 ngày bạo lực với hơn 800 người chết, hầu hết là những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi, Ai Cập đang đứng bên bờ vực thẳm và khả năng hòa giải là điều không thể diễn ra - theo khẳng định của Thủ tướng lâm thời Hazem el-Beblawi.

Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi tuần hành trên đường phố Cairo. 						     	  Ảnh: AP
Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi tuần hành trên đường phố Cairo. Ảnh: AP

Thủ tướng Beblawi cho rằng, không thể hòa giải với những người mà “tay của họ đã dính máu và cầm vũ khí để chống lại Nhà nước cũng như các thể chế”. Tuyên bố của ông Beblawi càng minh chứng cơ hội để lực lượng ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mursi và lực lượng chống đối cựu lãnh đạo này ngồi vào bàn nghị sự, hướng đến tương lai ổn định cho Ai Cập, trở nên mong manh. Cánh cửa cho đàm phán đang rất hẹp, thậm chí sẽ đóng sập, khi cả hai bên đều kiên quyết không ai nhượng bộ ai.

Kêu gọi của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon về việc các bên cần giải quyết bạo lực dường như không tạo chuyển biến tích cực nào ở Ai Cập. Ông Ban Ki-moon chỉ trích các vụ tấn công vào nhà thờ, bệnh viện cùng các nơi công cộng khác, nhưng những gì mà nhà lãnh đạo LHQ và các tổ chức quốc tế lên tiếng đối với tình hình ở Ai Cập chỉ như muối bỏ bể. Sự hiện diện của các nhà ngoại giao Mỹ hay châu Âu tại Cairo để làm trung gian hòa giải, đồng thời tạo ra sức ép, cũng không thể ngăn được dòng người Hồi giáo biểu tình. Riêng “Ngày thứ 6 giận dữ” (ngày 16-8) đã có đến 173 người thiệt mạng. Các nhà quan sát cho rằng, xung đột ở Ai Cập không chỉ là sự đối đầu giữa những người nắm quyền, mà còn phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đất nước có 84 triệu dân với một bên ủng hộ vị Tổng thống được dân bầu đầu tiên, và một bên ủng hộ phe đảo chính.

Nội các Ai Cập nhóm họp khẩn cấp trong ngày 18-8 (giờ Cairo) để quyết định số phận của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. 250 người trong số hơn 1.000 người thuộc tổ chức này bị bắt giữ đang đối mặt với cuộc điều tra tội giết người, khủng bố, và điều này sẽ càng tạo ra hố sâu ngăn cách giữa lực lượng ủng hộ ông Mursi với Chính phủ lâm thời. Được thành lập vào năm 1928, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vốn có ảnh hưởng lớn ở các tỉnh của Ai Cập, bằng chứng là tổ chức này đã giành thắng lợi liên tiếp trong 5 cuộc bầu cử kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng của người dân thời hậu Hosni Mubarak đặt vào tay Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và ông Mursi không được đáp lại. Giấc mơ về “tự do, bánh mì và công bằng xã hội” của người dân Ai Cập chẳng những không thể được hiện thực hóa mà ngày càng trở nên xa vời. Chính sách thâu tóm quyền lực làm ông Mursi xa cách với những gì mà người dân Ai Cập cần; thêm vào đó là khủng hoảng kinh tế vẫn nặng nề, tỷ lệ thất nghiệp tăng đến 13%. Như thế thì “bóng ma khủng hoảng” vẫn ám ảnh nặng nề lên đất nước kim tự tháp và một cuộc lật đổ đối với ông Mursi cũng chỉ là một sớm một chiều, tương tự việc phế truất ông Mubarak vào đầu năm 2011.

Bạo lực theo kiểu trấn áp trong những ngày qua ở Ai Cập thật sự gây sốc đối với người dân nước này và cộng đồng thế giới. Khủng hoảng đã và đang bị đẩy lên đến mức đỉnh điểm khi số người chết quá nhiều, mà giải pháp vẫn rơi vào ngõ cụt. Không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy đến với Ai Cập trong những ngày tới, chỉ biết rằng, nếu quân đội vẫn “mạnh tay” với lý do muốn “khôi phục an ninh” và Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo không nhượng bộ thì quốc gia này sẽ rơi vào nội chiến. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ còn lo ngại khủng hoảng Ai Cập sẽ lan rộng ra cả khu vực Trung Đông. Bởi lẽ, theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu, “Ai Cập là xương sống của Trung Đông”.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.