Việc các nhà chức trách Ai Cập bắt giữ ông Mohammed Badie, lãnh đạo tinh thần của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo vào ngày 20-8 tiếp tục gây thêm căng thẳng ở đất nước vốn đang bị chia rẽ sâu sắc.
Ông Mohammed Badie (giữa) sẽ ra tòa vào ngày 25-8. Ảnh: THX |
Hãng AP cho rằng, việc ông Badie bị bắt giữ là đòn giáng nghiêm trọng vào Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, trong lúc lực lượng này vẫn tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng bằng các cuộc biểu tình trên đường phố nhằm chống lại hành động phế truất Tổng thống Mohammed Mursi. Cuộc đối đầu của Huynh đệ Hồi giáo và Chính phủ lâm thời được cho là sẽ kéo dài và càng đẩy Ai Cập vào khủng hoảng.
Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim xác nhận thông tin bắt giữ ông Badie với Báo Al Masry Al Youm. Ông Badie bị giam giữ tại một căn hộ ở thành phố Nasr, nằm phía đông bắc Cairo, gần một trong hai địa điểm biểu tình bị đàn áp đẫm máu vào tuần trước làm khoảng 900 người chết, trong đó có hơn 100 cảnh sát và binh sĩ. Theo cáo buộc của Chính phủ đưa ra vào tháng 7 vừa qua, lãnh đạo 70 tuổi của Huynh đệ Hồi giáo đối mặt với tội danh kích động bạo lực và giết người trong vụ sát hại 8 người biểu tình chống người Hồi giáo bên ngoài trụ sở chính của tổ chức này ở Cairo hồi cuối tháng 6.
Vụ bắt Badie diễn ra vài ngày sau khi con trai ông là Ammar Badie (38 tuổi) bị bắn chết trong cuộc biểu tình ở Quảng trường Ramses ở thủ đô Cairo. Ngoài ra, người phó của ông, Khairat al-Shatir, cũng bị bắt giữ trước đó. Cùng với Shatir và một người cấp phó nữa, ông Badie sẽ ra hầu tòa vào ngày 25-8 tới.
Nhằm xoa dịu những lo ngại trước sự trấn áp của Chính phủ, Ahmed Aref - người phát ngôn của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo - viết trên facebook với nội dung đơn giản rằng, “Mohammed Badie là một thành viên của Huynh đệ Hồi giáo”.
Hình ảnh ông Badie sau khi bị bắt nhanh chóng xuất hiện trên kênh truyền hình tư nhân ON TV. Giới quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy Chính phủ lâm thời Ai Cập muốn làm bẽ mặt Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo - vốn ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi, đồng thời làm suy yếu lực lượng này trước khi có thể ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt khủng hoảng kéo dài.
Hãng Reuters cho biết, Huynh đệ Hồi giáo ngay lập tức bầu chọn ông Mahmoud Ezzat làm lãnh đạo tạm thời của tổ chức này. Tuy nhiên, việc chọn người thay thế cũng không thể xoa dịu được sự bất bình của Huynh đệ Hồi giáo đối với Chính phủ và quyết tâm khôi phục quyền lực cho ông Mursi. Đến nay, vị Tổng thống bị lật đổ này vẫn được giam giữ ở một nơi bí mật. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi phóng thích ông Mursi. Song, theo các nguồn tin, các công tố viên Ai Cập hiện có thêm 15 ngày để giam giữ ông Mursi trong lúc điều tra các cáo buộc chống lại ông.
Tương lai của Ai Cập trong lúc này vẫn đáng lo ngại khi các dấu hiệu cho một nền hòa bình, ổn định ở quốc gia có 84 triệu dân này vẫn mong manh. Các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào ngày 21-8 để quyết định việc cắt giảm viện trợ theo cam kết cho Ai Cập.
PHÚC NGUYÊN