.

Ấn Độ hạ thủy tàu sân bay tự sản xuất

.

(ĐNĐT) - Ngày hôm nay (12-8), Ấn Độ sẽ hạ thủy tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng sau hai năm thi công, với chi phí lên tới 5 tỷ USD.

Một cuộc diễu binh của tàu sân bay INS Viraat, Ấn Độ. Ảnh: AFP
Một cuộc diễu binh của tàu sân bay INS Viraat, Ấn Độ. Ảnh: AFP

Sự kiện này sẽ đánh dấu ngày Ấn Độ gia nhập câu lạc bộ các quốc gia có khả năng tự sản xuất và sở hữu tàu sân bay, gồm: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Kỹ sư trưởng của lực lượng Hải quân Ấn Độ, A.K. Saxena cho biết, dự án đóng tàu này bắt đầu từ năm 2009 và đây là dự án phức tạp và đầy thách thức.

Tàu sân bay 40.000 tấn mới sẽ được hạ thủy tại thành phố cảng miền nam, Cochin, đặt ra tiêu chuẩn mới toàn cầu về kích thước lẫn độ phức tạp, Bộ Quốc phòng Ấn cho biết. Tàu này sẽ được trang bị và chạy thử để đến năm 2018 sẽ tham gia vào lực lượng hải quân Ấn Độ.

Hôm 9-8, Ấn Độ cũng đã hạ thủy tàu ngầm nguyên tử đầu tiên do nước này tự thiết kế và sản xuất, một bước đi quan trọng để tàu này vận hành hoàn toàn và đây chính là “bước tiến vĩ đại” đối với Ấn Độ.

Phát biểu ngày 9-8, Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh cho biết, ông “rất phấn khởi khi biết rằng, lò phản ứng trên tàu INS Arihant đã đạt được điều kiện tới hạn”.

Năm 2011, Nga đã chuyển giao cho Ấn tàu ngầm nguyên tử tấn công Nerpa, tải trọng 8.140 tấn, sau hai năm trì hoãn.

Cuối năm nay, Nga cũng sẽ chuyển tiếp cho Ấn thêm 1 tàu sân bay Admiral Gorskhov sau 4 năm trì hoãn.

Hiện Ấn đang sở hữu một tàu sân bay 60 tuổi đời, một tàu chiến của Anh mà hải quân Ấn Độ tiếp nhận vào năm 1987 và đặt lại tên là INS Viraat.

Theo công ty tư vấn KPMG, từ năm 2010 đến năm 2016, Ấn Độ sẽ chi 112 tỷ USD ngân sách quốc phòng.

Quang Hiển (Theo CNA)

;
.
.
.
.
.