Chuyến thăm Pakistan bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từ ngày 31-7 đến 2-8 được đánh giá có thể mở ra chương mới cho mối quan hệ vốn không nồng ấm giữa Washington với Islamabad.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) gặp gỡ Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Ảnh: AP |
Các vấn đề: chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, cuộc chiến tranh ở nước láng giềng Afghanistan, sự phản đối của Pakistan đối với các cuộc không kích của Mỹ là những nội dung được Ngoại trưởng Kerry đề cập khi gặp gỡ tân Thủ tướng nước chủ nhà Nawaz Sharif và Tư lệnh quân đội - Tướng Ashram Parvez Kayani. Ông Kerry cũng gặp gỡ người đồng cấp Pakistan Sartaj Aziz và cả hai thống nhất Washington - Islamabad sẽ nối lại đàm phán cấp cao về các vấn đề an ninh.
Hãng Reuters cho biết, đây là chuyến thăm Pakistan đầu tiên của ông Kerry trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ mặc dù nhà ngoại giao này từng đến Islamabad trên các cương vị khác.
Theo AP, việc nối lại đối thoại chiến lược minh chứng quan hệ giữa Mỹ với Pakistan đang được cải thiện kể từ khi “rơi xuống điểm thấp nhất”. Căng thẳng giữa Mỹ với Pakistan xuất phát từ những cuộc không kích của Washington được thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia Nam Á này. Động thái của Washington vốn bị Islamabad cho là vi phạm chủ quyền, dẫn đến đàm phán cấp cao bế tắc từ tháng 11-2011 sau khi các cuộc không kích ở khu vực biên giới làm 24 binh sĩ của quốc gia Nam Á thiệt mạng. Trước đó, chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại thị trấn Abbottabad của Pakistan cũng gây rạn nứt giữa hai Chính phủ.
Tổng cộng Mỹ đã thực hiện 16 cuộc không kích tại Pakistan trong năm nay, so với 122 vụ trong năm 2010, 73 vụ trong năm 2011 và 48 vụ trong năm 2012.
Kể từ khi ông Sharif đảm nhận chức Thủ tướng cách đây hơn một tháng, trên khắp Pakistan đã xảy ra hàng loạt cuộc tấn công của Taliban có liên quan Al-Qaeda. Điều này làm dấy lên những quan ngại về an ninh khu vực. Là nhà tài trợ lớn nhất cho Pakistan, tất nhiên Mỹ muốn Islamabad có một kế hoạch rõ ràng để thúc đẩy chiến dịch chống các nhóm như Haqqani - nhóm trú ẩn ở vùng núi của Pakistan và thường tấn công lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Chính phủ của Tổng thống Barack Obama cũng gia tăng sức ép buộc Islamabad phải nỗ lực hơn nữa để đất nước này không trở thành nơi trú ẩn cho khủng bố. “Những nơi trú ẩn an toàn cho các nhóm cực đoan rõ ràng đe dọa lợi ích của chúng tôi, đồng minh của chúng tôi ở khu vực và khả năng thực hiện chương trình cải cách của ông Sharif, giúp ổn định kinh tế hơn”, một quan chức cấp cao Mỹ nói.
Ông Sharif lên nắm quyền Thủ tướng trong cuộc chuyển giao đầu tiên ở Pakistan giữa hai Chính phủ dân sự. Lúc đó, ông Kerry gọi đây là “cuộc chuyển giao lịch sử”. Chiến thắng của ông Sharif báo hiệu một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ với Pakistan. Tổng thống Obama cũng cho rằng, thắng lợi này là “cột mốc quan trọng” trong nền dân chủ Pakistan.
Các quan chức cấp cao cùng đi với Ngoại trưởng Kerry nói với báo giới: Nhiều khả năng quan hệ giữa Mỹ với Chính phủ của ông Sharif sẽ được cài đặt lại để cùng giải quyết các vấn đề: chống khủng bố, năng lượng, sự ổn định của khu vực, cải cách kinh tế, thương mại và đầu tư. Mỹ cũng muốn hỗ trợ thúc đẩy vai trò của Chính phủ dân sự Pakistan khi đất nước này trải qua thời gian dài do quân đội nắm quyền. Không những thế, Washington còn muốn Pakistan gây áp lực với các thủ lĩnh Taliban để đàm phán với Chính phủ của Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, từ bỏ bạo lực và cắt đứt liên hệ với Al-Qaeda.
Sau khi rời Islamabad, Ngoại trưởng Kerry sẽ đến London (Anh). Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, ông sẽ gặp gỡ người đồng cấp Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Abdullah bin Zayed Al-Nahyan để bàn thảo về tình hình Ai Cập, Syria và hòa bình Trung Đông. |
PHÚC NGUYÊN