.

Iran đồng ý đàm phán với phương Tây về hạt nhân

.

Bộ Ngoại giao Iran sẽ chủ trì cuộc đàm phán với các cường quốc thế giới về vấn đề hạt nhân, một dấu hiệu cho thấy nước này đang tìm kiếm cách tiếp cận ít đối đầu hơn với phương Tây.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran thông báo Iran sẵn sàng nối lại đàm phán với phương Tây. Ảnh: Fars News
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran thông báo Iran sẵn sàng nối lại đàm phán với phương Tây. Ảnh: Fars News

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, Seyed Abbas Araqchi khẳng định, nước này đã sẵn sàng nối lại cuộc đàm phán với nhóm P5 + 1 gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức về vấn đề hạt nhân.

"Chúng tôi sẽ không tổ chức các cuộc đàm phán chỉ nhằm mục đích đàm phán và chúng tôi phản đối việc này. Chúng tôi kêu gọi một cuộc đàm phán có mục đích và có hiệu quả được tổ chức trong một khuôn khổ nhất định", Fars News dẫn lời ông Araqchi nói.

Ông cho biết, Bộ Ngoại giao chờ đợi Tổng thống Hassan Rouhani công bố danh sách đoàn đàm phán.

Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif, hôm qua cũng nhấn mạnh rằng, Iran sẵn sàng nối lại đàm phán với nhóm P5 + 1 để đạt được một giải pháp cho tình hình bế tắc giữa hai bên.

Từ sau cuộc bầu cử mà nhà lãnh đạo trung dung Hasan Rouhani đắc cử tổng thống hồi tháng 6, các nhà phân tích đã dự đoán Iran sẽ có hướng đi mới trong việc đàm phán với nhóm 6 nước về chương trình sản xuất hạt nhân của Tehran.

Các quan chức Iran cho biết, nội dung của kế hoạch đàm phán này vẫn là duy trì chương trình hạt nhân nhưng thay đổi phong cách đàm phán khoa trương mà cựu tổng thống Mahmoud Ahmadinejad sử dụng. 

Căng thẳng giữa Iran và phương Tây kéo dài nhiều năm nay khi các nước cáo buộc Tehran theo duổi công nghệ vũ khí hạt nhân, tuy nhiên Iran cho biết chỉ sản xuất hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tân tổng thống Rouhani tuyên bố sẽ theo đuổi một chính sách ôn hòa và giảm căng thẳng với thế giới bên ngoài. Lãnh tụ tối cao của Iran, Ali Khamenei, cũng ủng hộ một cách tiếp cận ngoại giao mềm mỏng hơn với phương tây. Ali Akbar Velayati, cố vấn hàng đầu của Khamenei, trước đó cho biết Iran "sẽ nói chuyện với một giọng điệu khác".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng, nước này sẽ không tạm dừng chương trình làm giàu uranium vì Tehran đã có một kinh nghiệm cay đắng khi làm như vậy vào năm 2003, trong nỗ lực xây dựng lòng tin.

Ủy viên phụ trách chính sách ngoại giao của Liên minh châu Âu Catherine Ashton cho biết, bà sẽ sớm gặp mặt ông Zarif trong bối cảnh đòi hỏi cần tiến hành một cuộc đàm phán nhanh chóng và thực chất về chương trình hạt nhân của Iran.

VnExpress

;
.
.
.
.
.