Thủ đô Cairo của Ai Cập trở thành vùng dã chiến trong lúc đất nước này rơi vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Quân đội Ai Cập chốt chặn tại đường dẫn vào Quảng trường Tahrir, thủ đô Cairo. Ảnh: AP |
Hãng AP ngày 19-8 mô tả đường phố Cairo là chiến trường đầy chết chóc khi chứng kiến cuộc xung đột giữa những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi và những người ủng hộ quân đội. Hơn 830 người chết kể từ ngày 14-8 đến nay, trong đó có 70 cảnh sát và binh sĩ, là con số không tưởng. Hành động trấn áp mạnh tay của Chính phủ đối với những người biểu tình ủng hộ ông Mursi được cho là khơi mào cho nguy cơ nội chiến ở Ai Cập, đẩy quốc gia có 84 triệu người vào ngõ cụt.
Tình trạng khẩn cấp được các nhà lãnh đạo lâm thời Ai Cập ban bố xem ra không hiệu quả bởi bạo lực liên tiếp diễn ra sau khi ông Mursi bị lật đổ vào ngày 3-7 vừa qua. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm hiện cũng được áp dụng cho thủ đô Cairo và một số tỉnh khác.
Trong lúc đó, các tay súng không rõ danh tính đã nã súng chống tăng vào hai xe buýt chở cảnh sát ở Sinai, làm 24 người thiệt mạng và 2 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Sinai trong nhiều năm qua sau vụ tấn công các binh sĩ Ai Cập hồi tháng 8-2012 làm 16 người thiệt mạng. Sinai cũng là nơi đã dấy lên các cuộc tấn công kể từ khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ vào năm 2011.
Bất ổn ở Ai Cập đang làm cộng đồng quốc tế lo ngại. Các đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) ngày 19-8 nhóm họp tại Brussels (Bỉ) để bàn thảo giải pháp tháo gỡ khủng hoảng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói rằng, trong những ngày tới, EU sẽ xem xét khẩn cấp về mối quan hệ với Ai Cập, nhiều khả năng liên minh già cỗi này sẽ ngừng các chương trình viện trợ và những chuyến hàng vũ khí. Năm ngoái, EU và các nước thành viên cam kết cho Ai Cập vay và viện trợ 5 tỷ euro (6,7 tỷ USD). Giao dịch thương mại giữa EU và Ai Cập đạt gần 24 tỷ euro trong năm 2011. Tuy nhiên, dòng chảy viện trợ giờ đây có thể bị ngừng do làn sóng xung đột. Bộ trưởng Phát triển Đức Dirk Niebel cũng khẳng định điều này và nói rằng, Cairo sẽ không nhận được thêm cam kết viện trợ từ Berlin nữa.
Ngoài Đức, các nước hàng đầu trong EU như Pháp, Anh, Ý, đều tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ai Cập nhưng chưa có một quyết định đồng thuận trong liên minh.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Tổ chức Hợp tác Hồi giáo không thể hiện quan điểm chống lại bạo lực ở Ai Cập. Ankara ủng hộ ông Mursi và lên án mạnh mẽ việc lật đổ vị Tổng thống được dân bầu đầu tiên.
Một số nước khác có người dân đang sống, làm việc tại Cairo khẩn trương sơ tán công dân do lo ngại bạo lực ngày càng leo thang và kéo dài với những diễn biến khó dự đoán. Thái Lan có kế hoạch đưa 3 máy bay thương mại đến Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) để đón khoảng 500 nước này. Riêng trong ngày 19-8, Chính phủ Bangkok đưa một máy bay vận tải quân sự C-130 đến Cairo để đưa 66 người trở về nước.
Trong lúc đó, tại Cairo vẫn diễn ra phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Ông Mubarak đối mặt với cáo buộc đồng lõa giết hại những người biểu tình trong Cách mạng mùa Xuân vào đầu năm 2011. Tuy nhiên, Reuters dẫn lời Fareed El-Deeb, luật sư của ông Mubarak, ngày 19-8 nói rằng cựu Tổng thống 85 tuổi sẽ được phóng thích trong vòng 48 giờ sau khi được xóa án đối với một cáo buộc tham nhũng.
Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Đào Thành Chung khẳng định đang chuẩn bị phương sơ tán người Việt khỏi quốc gia này. Ông Đào Thành Chung cho biết, Đại sứ quán đã tổ chức các cuộc họp với toàn thể cán bộ, công nhân viên sứ quán cũng như với các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, để bàn các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho trụ sở cơ quan đại diện cũng như cho cộng đồng người Việt Nam ở Ai Cập. Tính đến nay có 79 người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại Ai Cập, trong đó số lượng cán bộ, công nhân viên cũng như các thành viên gia đình đi theo là 24 người. Số còn lại là sinh viên, học sinh cùng người Việt Nam sinh sống, làm việc ở Ai Cập. Đại sứ quán đang bàn những phương án, chủ trương trong trường hợp xấu nhất xảy ra. TTXVN |
THIÊN BÌNH