.

Mỹ bỏ hàng trăm triệu USD 'thuê' tình báo Anh

.

Cơ quan tình báo Anh GCHQ được Mỹ trả ít nhất 100 triệu bảng Anh (3.200 tỷ đồng) để giúp thu thập thông tin theo yêu cầu, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ.

Trụ sở GCHQ ở hạt Gloucestershire vùng tây nam nước Anh. Ảnh: Wired.
Trụ sở GCHQ ở hạt Gloucestershire vùng tây nam nước Anh. Ảnh: Wired.

Số tiền này được trả qua hàng loạt dự án suốt 3 năm qua và dẫn tới việc tình báo Anh thay mặt tình báo Mỹ do thám người dân, theo tài liệu mật vừa được Snowden tiết lộ.

Khả năng theo dõi “bất kỳ cuộc gọi nào ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ thời gian nào” của tình báo Anh làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính đạo đức trong công việc của họ.

Những chi tiết này được “người thổi còi” Snowden tiết lộ vào ngày Ngoại trưởng Anh William Hague đến thăm trụ sở GCHQ ở thành phố Cheltenham và ca ngợi công việc mà cơ quan này đang thực hiện.

GCHQ bị tố đã chuyển giao thông tin về từng cá nhân cho Mỹ trong chương trình thu thập dữ liệu điện thoại và sử dụng internet mang tên Prism. Tuy nhiên, tình báo Anh tránh được cáo buộc vi phạm luật pháp Anh khi nhận tiền từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) qua nhiều “danh mục đầu tư” hằng năm, theo tài liệu do Snowden tiết lộ cho báo Anh The Guardian.

GCHQ chịu trách nhiệm cung cấp thông tin tình báo tín hiệu và đảm bảo thông tin cho chính phủ Anh cùng các lực lượng vũ trang. GCHQ được thành lập năm 1919 với tên gọi GC&CS hoặc GCCS. Giai đoạn 2009-2011, GCHQ có 5.675 nhân viên chính thức và 295 nhân viên hợp đồng.

NSA trả cho GCHQ 22,9 triệu bảng năm 2009, gần 40 triệu bảng năm 2010 và gần 35 triệu bảng giai đoạn 2011-2012. Số tiền này là nguồn thu nhập quan trọng của tình báo Anh trong bối cảnh cơ quan này buộc phải giảm chi phí và giảm hơn 300 người trong số 6.000 nhân viên.

Trong khoản thanh toán năm 2010 có 4 triệu bảng là để hỗ trợ công việc của GCHQ đối với lực lượng của NATO ở Afghanistan và 17,2 triệu bảng cho dự án “nâng cấp internet” mà bản chất là thu thập thông tin thô từ trên mạng để phân tích.

Ngoài ra, 15,5 triệu bảng được rót cho các dự án tái phát triển tại cơ sở của GCHQ ở thành phố Bude, hạt Cornwall nhằm nghe lén các giao tiếp qua cáp Internet xuyên Đại Tây Dương.

NSA cũng trả một nửa chi phí cho hoạt động do thám của Anh ở đảo Cyprus. Đổi lại, GCHQ phải “luôn nhớ quan điểm của Mỹ khi ưu tiên công việc”, theo tài liệu bị tiết lộ.

Sợ Mỹ phật lòng

Trong một tài liệu có từ năm 2010, GCHQ thừa nhận Mỹ đã “nêu lên nhiều vấn đề nhằm đáp ứng mong đợi tối thiểu của NSA”. Tài liệu này còn cho thấy nỗi sợ lớn nhất của tình báo Anh là “quan điểm của Mỹ về quan hệ đối tác sẽ giảm sút, dẫn tới việc mất quyền tiếp cận, và/hoặc giảm đầu tư vào Anh”.

Tài liệu còn cho thấy GCHQ đang đầu tư rất nhiều tiền để cải thiện khả năng thu thập thông tin cá nhân qua điện thoại di động và các ứng dụng để có thể “khai thác bất kỳ điện thoại nào, ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ lúc nào”.

Trong môi trường đó, một số nhân viên GCHQ đang làm việc trong một dự án nhạy cảm đã bày tỏ quan ngại về “đạo đức và lương tâm đối với công việc họ đang làm, đặc biệt khi phải lừa dối ở mức độ nào đó”.

Một phát ngôn viên của Văn phòng Nội các Anh nói: “Trong quan hệ đồng minh 60 năm, điều cực kỳ không đáng ngạc nhiên là có những dự án chung mà hai bên cùng nhau đầu tư nguồn lực và chuyên môn, nhưng lợi ích lại chảy theo cả hai hướng”.

Trong một chuyến thăm tới GCHQ, ông Hague nhấn mạnh rằng đội ngũ nhân viên của cơ quan này đang làm việc “đúng theo luật pháp và các giá trị của chúng ta”.

Trên đây là những thông tin mới nhất được Snowden tiết lộ. Anh này đã rời sân bay Sheremetyevo ở Mátxcơva đến một địa điểm bí mật ở Nga sau khi được chính quyền nước này cho tị nạn 1 năm.

Theo các nhà quan sát, quyết định cho Snowden tị nạn có thể khiến quan hệ Nga - Mỹ xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Nhà Trắng bày tỏ “cực kỳ thất vọng” trước quyết định của Mátxcơva và cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc có nên tham gia cuộc họp thượng đỉnh tại Mátxcơva vào đầu tháng 9 với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay không.

Theo TP

 

;
.
.
.
.
.