.

Mỹ giải mật 3 tài liệu liên quan tới chương trình nghe lén điện thoại

.

(ĐNĐT) - Ngày 31-7, chính quyền của Tổng thống Obama đã giải mật chi tiết 3 tài liệu về chương trình nghe lén điện thoại của Cục An ninh quốc gia (NSA), trước khi các thượng nghị sĩ chất vấn các quan chức về chương trình này trong một phiên điều trần.

Nghe lén điện thoại là một trong 2 chương trình giám sát bí mật của chính phủ Mỹ đã bị cựu điệp viên Edward Snowden tiết lộ vào tháng 6, vốn bị dư luận trong và ngoài nước Mỹ chỉ trích gay gắt.

Giám đốc NSA, Tướng Keith Alexander, đã phát biểu rằng, nhờ có chương trình nghe lén, 54 vụ tấn công khủng bố đã bị ngăn chặn, trong đó có 13 vụ trên đất Mỹ. Ảnh: CNN
Giám đốc NSA, Tướng Keith Alexander  phát biểu rằng, nhờ có chương trình nghe lén, 54 vụ tấn công khủng bố đã bị ngăn chặn, trong đó có 13 vụ trên đất Mỹ. Ảnh: CNN

Theo đó, Giám đốc NSA, James Clapper đã cho phép giải mật và công bố 3 tài liệu nêu ra các giới hạn, việc giám sát và các lợi ích của chương trình giám sát được dùng để thu thập các cuộc gọi điện thoại bên trong nước Mỹ.

Theo tuyên bố của Cơ quan tình báo quốc gia, ông Clapper quả quyết rằng, “việc công bố các tài liệu này là vì lợi ích công cộng”.

Các tài liệu mới giải mật, gồm: Điều luật giám sát tình báo nước ngoài (FISA), lệnh của Tòa án đối với một công ty vô danh, yêu cầu công ty này phải tạo ra “tất cả bản lưu chi tiết cuộc gọi” xảy ra hằng ngày.

Các bản lưu gồm số điện thoại, thời gian gọi và độ dài của cuộc gọi, nhưng không có nội dung đối thoại.

Lệnh của tòa cho phép chỉ có các quan chức NSA được phép mới có thể truy nhập các dữ liệu điện thoại và cho phép chương trình lưu lại các dữ liệu đó trong 5 năm.

Một tài liệu giải mật khác gồm: 1 lá thư viết vào năm 2009 liên quan tới Đạo luật Yêu nước (Patriot Act), tiếp tục cho phép Ủy ban tình báo Hạ viện sử dụng các thiết bị nghe lén đối với các cá nhân bị tình nghi có hành động khủng bố. Mục đích là cố gắng chứng minh rằng các chương trình nghe lén này có thể đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực chống khủng bố.

Giới chức của chính phủ Obama và cộng đồng tình báo Mỹ liên tục bảo vệ cho chương trình nghe lén qua việc nhấn mạnh rằng, các chương trình này tỏ ra là công cụ chống khủng bố rất hữu ích.

Tuy nhiên, tại phiên điều trần ngày hôm qua, 31-7, các nghị sĩ vẫn rất hồ nghi về lợi ích của các chương trình nghe lén điện thoại.

Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho rằng, ông không cảm thấy thuyết phục rằng, chương trình lưu dữ liệu điện thoại khổng lồ này là cần thiết đối với nỗ lực chống phá các âm mưu khủng bố.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, lại ủng hộ chương trình nghe lén điện thoại nhưng “điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể làm cho mọi thứ thay đổi”.

Theo đó, bà Leahy cho rằng, cần phải có sự giám sát nghiêm ngặt, tính trách nhiệm và minh bạch.

* Giám đốc NSA bảo vệ chương trình nghe lén

Cũng trong ngày 31-7, tại Hội nghị an ninh Mũ Đen thường niên được tổ chức tại Las Vegas, Giám đốc Cục An ninh quốc gia Mỹ, Keith Alexander đã bảo vệ chương trình nghe lén của chính phủ là vì lợi ích của quốc gia.

Trong vai trò diễn giả mở màn chính tại hội nghị này, vị tướng 4 sao Alexander cho biết, cho tới nay, chương trình này đã giúp phanh phui 54 vụ tấn công khủng bố trên toàn thế giới, trong đó có 13 vụ tại nước Mỹ.

Quang Hiển (theo THX, Reuters)

;
.
.
.
.
.