(ĐNĐT) - Ngày 9-8, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã công bố các biện pháp đẩy mạnh giám sát và minh bạch về chương trình nghe lén bí mật của Cục An ninh quốc gia (NSA), hai tháng sau vụ tiết lộ gây chấn động của cựu điệp viên Edward Snowden.
Một phòng làm việc của NSA tại Trung tâm điều phối nguy cơ, bên trong căn cứ Fort Meade, Maryland, ngoại ô thủ đô Washington. Ảnh: AFP |
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Obama nói: “Tôi cũng chưa đủ tin tưởng với các chương trình này trên tư cách tổng thống. Người dân Mỹ cũng cần có niềm tin vào các chương trình này vậy.”
Theo đó, ông Obama đã công bố 4 biện pháp như là các nỗ lực nhằm hạn chế các cuộc tranh cãi về chương trình nghe lén của chính phủ, vốn đã được tiến hành trong nhiều năm qua mà cựu điệp viên của NSA, Edward Snowden đã tiết lộ hôm tháng 6.
Ông Obama cho biết ông sẽ làm việc với Quốc hội để theo đuổi “các cải cách phù hợp” đối với Mục 215 của Đạo luật Yêu nước, vốn cho phép chính phủ thu thập các cuộc điện thoại của các cá nhân bị tình nghi có hành động khủng bố nhằm vào nước Mỹ.
Ông Obama cũng sẽ làm việc với giới soạn thảo chính sách nhằm “cải thiện niềm tin của công chúng trong việc giám sát” của Tòa án Giám sát tình báo nước ngoài (FISC), cơ quan cho phép các cơ quan của chính phủ Mỹ quyền được tiếp cận các dữ liệu của cá nhân và các công ty.
Ngoài ra, ông cũng quyết sẽ thông tin cho công chúng về các chương trình nghe lén và sẽ lập ra các nhóm chuyên gia cấp cao ngoài NSA để xem xét “toàn bộ hoạt động tình báo và công nghệ thông tin” với phương châm sẽ từng bước đưa các hoạt động giám sát lớn hơn, minh bạch hơn và nhằm hạn chế lạm dụng quyền nghe lén.